Top 8 Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính hay nhất

Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính số 3

Nguyễn Bính là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám. Giữa những giọng điệu mới lạ, thơ Nguyễn Bính vẫn giữ được âm hưởng gân gũi với ca dao dân ca, giản dị hồn nhiên mà ngọt ngào, thắm thiết. Tương tư in trong tập Lỡ bước sang ngang, xuất bản năm 1940 tại Hà Nội. Tập thơ này đã mang lại tiếng vang cho tác giả và dấy lên trong đông đảo người đọc một phong trào thuộc thơ, yêu thơ Nguyễn Bính. 

Bài thơ Tương tư nói lên tâm trạng khắc khoải chờ mong của một chàng trai đang yêu với tình yêu đơn phương không được đáp đền. Mối tương tư ấy được đặt vào khung cảnh nông thôn với dáng dấp một mối tình chân chất như trong ca dao và mang hương vị đồng quê mộc mạc…

Tâm lí của những kẻ đang yêu là luôn muốn được gần gũi bên nhau. Bởi vậy, một ngày không gặp dài bằng ba thu. Những người đang yêu nhớ nhau mà không gặp được nhau thì sinh ra tương tư. Thường là một người thương nhớ một người mà không được đền đáp lại, trường hợp này trong văn chương mới gọi là tương tư. 

Lịch sử tình yêu xưa nay đã ghi nhận bao trái tim Trương Chi tan nát bởi mối hận tình. Chàng trai trong bài thơ này cũng tương tư nhưng có phần nhẹ nhàng hơn bởi tình yêu chưa đặt được cơ sở rạch ròi. Bốn câu thơ đầu bày tỏ nỗi nhớ mong khắc khoải của kẻ đang yêu. Chàng trai không giấu là mình tương tư:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người.

Nắng mưa là bệnh của giời 

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…

Mối tương tư ấy được thể hiện bằng những hình thức quen thuộc trong ca dao xưa, ở đây, lối hoán dụ nghệ thuật, thủ pháp nhân hóa và thành ngữ dân gian kết hợp với nhau hài hòa, tự nhiên: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, rồi bệnh của giời, bệnh của tôi… Dường như đất trời cũng chia sẻ nhớ mong, dự phần tương tư với con người.

Tôi yêu nàng, tôi tương tư, nào có khác chi trời lúc gió lúc mưa. Tâm trạng tương tư của chàng trai cũng tự nhiên như quy luật của trời đất vậy. “Cái tôi” trong thơ Nguyễn Bính xuất hiện cùng với những “cái tôi” khác trong Thơ mới lúc bấy giờ; có điều nó mang màu sắc độc đáo bởi nó thiết tha, chân thành, gần gũi với cuộc đời bình dị của người dân quê. 

Nó có thôn Đông, thôn Đoài, có chín nhớ mười mong, có giầu, có cau… Tưởng như một đôi trai gái đồng quê mới bén duyên nhau bên hàng rào dâm bụt, bên giậu mùng tơi, vừa rõ ràng mà vừa mơ hồ. Nhân vật tôi thì đã rõ, còn nhân vật nàng thì vẫn thấp thoáng, vu vơ. Nếu ở khổ thơ đầu, nhà thơ nói thật là mình đang tương tư thì đến ba khổ thơ sau, nhà thơ trách người mình yêu sao quá hững hờ:

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? 

Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

Vậy là chàng trai đang nhớ thật, đang tương tự thật, nhưng khổ tâm ở chỗ nhớ thương có đi mà không có lại. Âm điệu thơ lục bát uyển chuyển, mượt mà rất hợp với cách thể hiện dung dị: nào là hai bên chung lại một làng, bên ấy, bên này; nào là Cách nhau có một đầu đình; Có xa xôi mấy mà tình xa xôi… 

Trách móc rồi tự bộc bạch là mình Tương tư thức mấy đêm rồi và ước mong: Bao giờ bến mới gặp đò, Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau? Trách, hỏi liên tiếp, dồn dập mà người ta vẫn hững hờ, xa xôi. Ở đời có những tình yêu như thế bởi đối tượng mình yêu đến tương tư kia lại mơ hồ, vô định. Trách và hỏi đều rơi vào khoảng trống khiến cho nỗi tương tư càng trở nên xót xa, vô vọng.

Vẫn là bên ấy, bên này cách biệt. Ngày qua ngày lại qua ngày, Lá xanh nay đã thành cây lá vàng. Thời gian cứ lạnh lùng trôi mà bên ấy vẫn bằn bặt bóng chim tăm cá. Hỏi làm sao bên này chẳng chờ đợi đến hao mòn, tàn úa? Mơ làm chi đến chuyện bao nhiêu ngói bấy nhiêu tình hay chuyện tam tứ núi, ngũ lục sông…?

Thế là đã rõ: Tất cả đều vu vơ, chỉ có một điều rất thật là nỗi buồn da diết của chàng trai đang tương tư. Yêu người mà chẳng được người yêu, nhớ mong mà chẳng gặp. Một mối tình như thế sẽ kết thúc ra sao? Chàng trai trở lại với ước mơ thầm kín về một cuộc hôn nhân tốt đẹp cùng nỗi băn khoăn, khắc khoải của lòng mình:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Đến lúc này thì không cần vòng vo, ẩn giấu chi nữa, chàng trai không còn xưng tôi mà mạnh dạn xưng là anh và gọi nàng bằng em. Cũng chẳng cẩn bóng gió xa xôi: Bao giờ bến mới gặp đò… hay Tương tư thức mấy đêm rồi… mà nói thẳng đến chuyện hôn nhân:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thử hình dung cau ấy, giầu này mà kết thành một mâm xinh đẹp thì thật tà đúng nghi lễ cưới xin. Nhưng trớ trêu làm sao: giầu thì ở nhà em, cau lại ở nhà anh. Em ở thôn Đông, anh ở thôn Đoài: Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông. Vậy: Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ? Như vậy là tương tư chưa đi quá nỗi nhớ và nỗi nhớ vẫn chỉ là một bên, một chiều.

Tuy có nhích lên một chút cho thân mật hơn trong cách xưng hô anh và em, nhưng rồi lại quay về nơi ẩn náu cũ: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, nghĩa là chẳng tiến lên được một bước nào. Mon men tới chuyện trầu cau nhưng vẫn không thoát khỏi nỗi buồn bởi nhớ nhung người ta mà chẳng được người ta đền đáp lại. 

Cho nên đành chấm dứt nỗi sầu bằng một câu hỏi tu từ: Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ? “Cái tôi” hiện đại bộc lộ một cách tự nhiên dưới hình thức quen thuộc của ca dao xưa: thôn Đoài, thôn Đông… và nhờ dó mà nỗi đau dường như vợi bớt. Cho nên nỗi tương tư cũng mới chỉ đến mức chín nhớ mười mong hoặc thức mấy đêm rồi, kể cả sự vô vọng dường như kéo dài dằng dặc trong không gian và thời gian kia cũng chỉ là chuyện bến chưa gặp đò, hoa chưa gặp bướm mà thôi.

Nguyễn Bính sáng tác Tương tư năm 1939. Bài thơ là một mảnh hồn của nhà thơ, là “cái tôi”mang đậm phong cách Nguyễn Bính: giản dị, hồn nhiên, dân dã mà không kém phần thơ mộng, lãng mạn. Nhà thơ nói chuyện tương tư, kì thực là nói tới khao khát tình yêu và hạnh phúc. 

Qua dó khẳng định “cái tôi cá nhân” với quyền được sống đúng nghĩa của nó. Tương tư là một trong nhiều dẫn chứng chứng minh cho nhận xét tinh tế của Tô Hoài: Nguyễn Bính là nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê.

Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính số 4

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nhận xét Nguyễn Bính rằng:” Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường”. Đúng vậy, con người ấy sống trong từ câu thơ, từng nỗi nhớ da diết. Nỗi nhớ ấy thể hiện rõ nhất trong bài thơ Tương Tư trích từ tập Lỡ Bước Sang Ngang- một tập thơ tiêu biểu của ông trước cách mạng.

Ai trong chúng ta đã một lần ” tương tư” sầu nhớ chắc hẳn sẽ thấu hiểu cảm xúc ấy. Tương tư là thương, là nhớ, là bồi hồi khi nghĩ về hình bóng yêu thương. Nó là phức hợp cảm xúc, dậy lên như từng đợt sóng trong lòng:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông 

Một người chín nhớ mười thương một người 

Nắng mưa là bệnh của giời 

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Mở đầu khổ thơ là nỗi nhớ nhưng là nỗi nhớ gián tiếp qua không gian. Đó là “thôn Đoài” nhớ “thôn Đông”, nỗi tương tư giăng mắc khắp không gian bởi lối hoán dụ quen thuộc trong ca dao xưa. Kín đáo mà không kém phần tâm tình tha thiết và sâu sắc hơn nữa tác giả lấy chuyện nắng chuyện mưa, mượn “căn bệnh” vốn dĩ của giời để trải lòng mình.

Tác giả coi “tương tư” là một căn bệnh đã tiềm ẩn trong chính con người mình, cũng rất đỗi bình thường như bao chuyện khác, giống như quy luật của thiên nhiên tạo hóa vậy. Bốn câu thơ ấy mở ra nỗi nhớ khiến người đọc thích thú tò mò về mối tương tư của anh chàng thôn Đoài và cô nàng thôn Đông ngày ấy.

Đến những câu thơ tiếp theo, ta như nghe thấy lời trách móc nhẹ nhàng và rất kín đáo thôi. Trách cô gái hững hờ, trách cô gái kia sao lại vờ như không biết gì về nỗi lòng ta:

Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này 

Ngày qua ngày lại qua ngày 

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng 

Bảo rằng cách trở đò giang 

Không sang lại chẳng đường sang đã đành 

Nhưng đây cách một đầu đình 

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi 

Tương tư thức mấy đêm rồi 

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho? 

Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Nhịp thơ nhanh, câu hỏi dồn dập của nhân vật trữ tình hỏi người thương của mình. Vì sao nàng chẳng sang? Hai thôn ấy chung một làng mà sao nghe cách xa đến vậy, nếu mà nhớ người ta thì phải tìm đường mà sang thăm người ta chứ đằng này lại còn trách người ta không sang với mình. Cũng không biết được rằng có phải cô gái không sang không hay là tại vì nỗi tương tư kia khiến cho người tương tư thấy thời gian quá dài, và không gian thật gần mà trở nên xa xôi quá. 

Một khi con người ta tương tư, cũng hay nghĩ rằng nửa kia không quan tâm, vô tâm vô tình lắm. Rồi cứ thế ” ngày qua ngày lại qua ngày” điệp từ ngày lặp lại hai lần trong một câu thơ kết hợp với hai từ “qua, lại” khiến ta cảm thấy thời gian chờ đợi đang dần trôi đi thật chậm và thật đều, dài tựa ba thu. 

Thời gian làm cảnh vật trở nên thiếu sức sống, lá xanh cũng đã bị thời gian nhuộm vàng mà người thương vẫn không sang thăm. Câu hỏi cất lên vừa thương nhớ vừa có một chút trách móc nửa kia của mình nhưng nó vang lên mãi không tìm thấy lời đáp. Hình ảnh bến đò trong những câu thơ tình lại hiện lên trong tương tư của Nguyễn Bính, đó là ước muốn được ở bên nhau, gắn bó khăng khít. Càng về cuối, những câu thơ vang lên như một ước nguyện với một tình yêu viên mãn vững bền và hạnh phúc:

Nhà em có một giàn giầu 
Nhà anh có một hàng cau liên phòng 

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông 

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Hình ảnh trầu cau thể hiện ước nguyện được ở bên nhau của nhà thơ với người mình thầm thương trộm nhớ. Trầu cau từ xưa là thứ không thể thiếu trong tập tục cưới hỏi và nó là hình tượng thể hiện mối tình trăm năm hạnh phúc. Giàn giầu như đang chờ đợi hàng cau đến để têm thành miếng trầu kết duyên vợ chồng trăm năm. Từ nỗi tương tư da diết của nhà thơ đã biến thành mong muốn được nên duyên một đời.

Đọc Thêm:  Top 3 Shop bán quần jogger đẹp, năng động, giá tốt và uy tín nhất tại Đà Nẵng

Miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu như gợi ta nhớ đến sự tích trầu cau hay truyện cổ tích Tấm Cám xưa. Nét mộc mạc giản dị trong từng miếng trầu ấy, đậm đà tình quê. Câu thơ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” một lần nữa vang lên tao hiệu ứng đầu cuối tương ứng, tiếng yêu như da diết không nguôi cho đến cuối bài.

Như vậy mở đầu bằng nỗi nhớ thì cuối cùng nhà thơ cũng kết thúc bằng một nỗi nhớ. Trách móc hờn giận mà tràn đầy tình ý, nhẹ nhàng và sâu lắng.Tương Tư của Nguyễn Bính là một trong những bài thơ góp phần tạo nên tên tuổi của ông và nó làm giàu cho phong trào thơ mới nói riêng và nên thơ ca Việt Nam nói chung. Đọc bài thơ ta biết, nỗi nhớ ấy sẽ còn vọng mãi qua bao thời đại thi ca.

Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính số 5

Tác giả Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ đi tiên phong và tiêu biểu cho phong trào thơ mới. Tuy nhiên khác với các nhà thơ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn Pháp thì thơ của Nguyễn Bính lại thường đậm đà truyền thống dân tộc, văn hóa dân gian, gắn bó với sự bình dị, mộc mạc của đồng quê. Bài thơ “Tương tư” của ông nằm trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” là một bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ của ông.

Nhan đề bài thơ là “Tương tư” ám chỉ một trạng thái của con người, tương tư có nghĩa là nhớ nhung, nhưng lại không đơn thuần là nhớ nhung mà còn chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nữa. Sự tương tư thường bắt đầu với những con người đang yêu, và trong bài thơ này, nhân vật trữ tình tương tư là một chàng trai quê chân thật, chất phác. Diễn biến trong tâm trạng của chàng trai chính là mạch cảm xúc của bài thơ, trong bốn câu thơ đầu ta cảm nhận được nỗi nhớ mong khắc khoải của kẻ đang yêu:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Nỗi nhớ ấy được tác giả thể hiện bằng những hình thức quen thuộc của ca dao xưa, có thể thấy hình ảnh hoán dụ “thôn Đoài” và “thôn Đông” chính là con người, và chính là chàng trai của thôn Đoài đang nhớ tới người mình yêu ở thôn Đông. Rồi lại đong đếm cụ thể nỗi nhớ mong ấy bằng thành ngữ dân gian “chín nhớ mười mong”. 

Có thể thấy nỗi nhớ ấy đã quá đong đầy, chan chứa. Hình ảnh ví von đầy hài hước “nắng mưa” là bệnh của trời đó là lấy cái quy luật của tự nhiên, của trời đất để thể hiện cho sự tương tư trong tình yêu cũng là một lẽ tự nhiên như thế. Tưởng như đó là một đôi trai gái đã bén duyên nhau, nhưng thực ra lại vừa rõ ràng vừa mơ hồ, tình cảm của chàng trai thì đã rõ, còn cô gái thì vẫn thấp thoáng, vu vơ. Bởi thế mà trong ba khổ thơ sau, lời hờn trách của chàng trai được bộc lộ ra, trách sao người mình yêu quá hững hờ:

“Hai thôn chung lại một làng…

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”

Nỗi nhớ tương tư của chàng trai đang dần rơi vào nỗi khổ tâm, bởi có thương đi mà chẳng có thương lại. Sự trách móc nhẹ nhàng sao gần nhau chỉ cách nhau có “một đầu đình” mà bên ấy lại chẳng sang bên này, để cho bên này chờ mong mòn mỏi. 

Trách móc rồi lại tự bộc bạch rằng vì tương tư về người mình yêu mà đã thức trắng bao đêm, chỉ mong ước được gặp người mình yêu, thế nhưng càng nhớ, càng trách, càng hỏi thì người ta vẫn cứ hững hờ, xa xôi. Tình yêu như thế ở đời không phải ít, một bên thì yêu đến si tình, tương tư đến khổ tâm còn một bên lại mơ hồ, vô định.

Vậy nên có trách móc hay tương tư cũng đều rơi vào khoảng không, không ai cảm thấu, càng khiến cho nỗi tương tư thêm xót xa, chua chát. Sự cách biệt giữa bên ấy bên này ngày càng xa xôi, thời gian đã dài đằng đẵng “ngày lại qua ngày” đến nỗi la xanh nhuộm chuyển thành lá vàng, thế nhưng thời gian trôi lạnh lùng như chính sự lạnh lùng của bên ấy. Hỏi cứ như vậy làm sao bên này lại chẳng chờ đợi đến héo mòn, khô úa.

Như vậy cho đến những khổ thơ này ta đã rõ: tất cả đều là từ một phía, chỉ là nỗi tương tư chân thành của chàng trai không được đáp lại. Yêu người nhưng chẳng được người yêu lai, nhớ mong nhưng chẳng được gặp gỡ, bởi người ta cũng chẳng muốn gặp mình, chàng trai lại đành quay lại với chính mình, trở lại với niềm mơ ước thầm kín của mình về một mối nhân duyên tốt đẹp:

“Nhà em có một giàn giầu…

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Chàng trai đã mạnh dạn xưng “anh” và gọi người mình yêu là “em”, chẳng cần bóng gió, vòng vo xa xôi nữa mà đi thẳng tới vấn đề muốn được kết tóc se duyên, muốn được ở bên cạnh người mình yêu thương. Thế nhưng thật trớ trêu thay chàng trai vẫn không thoát khỏi được nỗi nhớ mong chẳng được đền đáp, vẫn là câu hỏi không ai hồi đáp.

Qua bài thơ “Tương tư” chúng ta thấy được một mảnh hồn thơ của Nguyễn Bính trong đó, đó chính là cái giản dị, hồn nhiên mà dân giã, không kém phần thơ mộng, lãng mạn. Chỉ là nói chuyện tương tư nhưng sâu thẳm là nhà thơ đang nhắc tới khát khao tình yêu và hạnh phúc.

Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính số 9

Tô Hoài đã hoàn toàn đúng khi cho rằng: “Thơ và cuộc đời ràng buộc nhà thơ. Trước sau và mãi mãi, Nguyễn Bĩnh vẫn là thi sĩ của chân quê, hồn quê”.

Nỗi nhớ mong trong bài thơ đích thực là nỗi nhớ mong của tình yêu, nhưng không phải là nỗi nhớ từ một tình yêu song phương mà là nỗi nhớ của một tình yêu đơn phương. Nỗi nhớ này được diễn tả theo hình thức tăng cấp. Lúc đầu chỉ được gợi lên bằng một từ “ nhớ” (câu thơ đầu ) đến câu thơ tiếp theo đã chuyển hoá thành hai trạng thái “nhớ” và “mong”.

Đối tượng của nỗi nhớ thường là những hình ảnh đã qua, thuộc về quá khứ. Đối tượng của niềm mong thường là những hình ảnh thuộc về hiện tại hoặc tương lai, là sự chờ đợi những điều có thể sẽ tới xoa dịu nỗi nhớ mặc dù, trên thực tế, có khi những điều đó không bao giờ tới. 

Dù thế nào, hai cung bậc của cảm xúc nhớ và mong cũng sẽ đưa nhân vật trữ tình vào một không gian của đợi chờ khắc khoải, da diết. Ở đây nỗi nhớ mong trên không phải nỗi nhớ mong bình thường mà là nỗi mong nhớ được diễn tả với một cường độ thật lớn: chín nhớ, mười mong!

Cách dùng các số từ trong câu thơ: Một người chín nhớ mười mong…là học theo lối cường điệu dân gian, ngoa ngôn mà thành thực. Chưa kể, nó vừa diễn tả tính chất cao độ của một trạng thái tâm lý, vừa miêu tả tính chất tăng tiến không ngừng của trạng thái tâm lý đó. Một nỗi nhớ như thế sớm muộn sẽ đưa chủ thể của nó vào một trạng huống không bình thường của đời sống nội tâm. Ta chỉ có thể gọi đích danh là “bệnh tương tư” và, nhân vật trữ tình cũng đã tự nhận như thế. Bệnh, dù bất cứ là bệnh gì, đều gây đau đớn.

Bệnh tương tư thì không chỉ gây đau đớn mà còn giày vò, thiêu đốt trái tim “con bệnh” khiến cho anh chàng (trong bài thơ) hết sức khốn khổ vì yêu. Tuy nhiên, con bệnh của tình yêu thì khác các con bệnh thông thường. Đó là người ta vừa cảm thấy khổ sở, thậm chí khổ sở đến mức không chịu đựng nổi vì nỗi nhớ nhung của tình yêu giày vò lại vừa có cái sở thích oái ăm là vẫn cứ mong được sống mãi trong nỗi nhung nhớ đó mà không hề có ý định “điều trị” bằng cách lãng quên.

Có cách nào để thanh toán nỗi khổ tương tư? Không có cách nào cả. Chỉ có cách xoa dịu bằng những lời thở than và trách móc mà thôi. Những lời than thở, trách móc (dường như để cân bằng với nỗi khổ tương tư) nên cũng trải qua các cung bậc theo hình thức tăng cấp. Lúc đầu mới chỉ là một câu chất vấn: Cớ sao? Tiếp đến là niềm nuối tiếc thời gian trôi đi hờ hững: Ngày qua ngày lại qua ngày… Rồi dồn dập những lời trách cứ : Bảo rằng, đã đành, nhưng đây…Cuối cùng là thở dài trong oán, hờn và giận: Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…

Những lời thở than, trách móc trên kia còn là vì một lý do hết sức quan trọng : tình yêu ấy dẫu mãnh liệt đến thế nhưng chưa được đền đáp. Nhưng đọc và suy ngẫm kỹ sẽ thấy thực chất của những lời trách móc, than thở trên cũng chỉ là những biến thái của nỗi tương tư mà thôi, nếu ta cùng thừa nhận rằng tương tư trong tình yêu đơn phương là sự vận động của một chuỗi những hy vọng và thất vọng. 

Thì đây, đã hy vọng hai thôn chung lại một làng thì…thế mà bên ấy chẳng sang bên này. Đã hy vọng mỗi ngày qua, một ngày mới đến tình trạng đợi chờ sẽ chấm dứt, thế mà từ xuân tới hạ rồi sang thu mọi mong đợi vẫn lửng lơ tận chân trời. Đã hy vọng không cách trở đò giang, chỉ cách một đầu đình thôi thì mọi chuyện sẽ dễ dàng thế mà…không gian không xa nhưng tình thì xa vời vợi.

Người đồng bệnh với Nguyễn Bính, Xuân Diệu, tác giả của một bài thơ khá nổi tiếng có nhan đề Tương tư chiều rõ ràng có cách bộc lộ nỗi nhớ rất khác, mới mẻ và hiện đại:

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm 

Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em…

Khi nỗi nhớ dâng lên cao độ trong lòng thì cách diễn tả cảm xúc càng ồn ào:

Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh…

Anh nhớ em, nhớ lắm, em ơi!

Nguyễn Bính khác, cách bày tỏ tình yêu của ông mang tính cách của người chân quê. Trước hết ở thái độ kín đáo, rụt rè, mượn cách nói vòng tế nhị : thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người…

Kể cả khi tình cảm dâng lên mãnh liệt vẫn giữ một thái độ khiêm nhường, chỉ biết than thở với chính mình: Tương tư thức mấy đêm rồi/ Biết cho ai, hỏi ai người biết cho/ Bao giờ bến mới gặp đò/ Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Giọng điệu và ngôn ngữ thơ dân dã, bình dị: Hai thôn chung lại một làng; cớ sao? bảo rằng, đã đành, nhà em có một giàn giầu; nhà anh có một hàng cau… Cách so sánh, ví von mang đậm phong cách dân gian: chín nhớ mười mong, cách trở đò giang, bao giờ bến mới gặp đò, hoa khuê các, bướm giang hồ,…

Một thanh niên sống trong thời đại của giao lưu văn hoá Đông Tây, của sự bùng nổ ý thức về cá nhân và đặc biệt đúng vào lúc luồng gió lãng mạn đang ào ạt thổi tới, vậy mà trong lĩnh vực tình cảm vẫn giữ nguyên những nét thuần hậu của xa xưa như thế phải được coi là một trường hợp đặc biệt.

Nhà phê bình Hoài Thanh đã rất tinh tế khi nhận xét rằng: trong thơ Nguyễn Bính có “ hồn xưa đất nước”. Trước hết cần phải hiểu thế nào là “ hồn xưa đất nước”. Muốn hiểu khái niệm “ hồn xưa đất nước” theo cách diễn đạt của Hoài Thanh ta lại phải đọc tiểu luận nhan đề : “ Một thời đại trong thi ca” của chính Hoài Thanh, trong đó, cần chú ý đoạn: “ …Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận, hờn nhất nhất như ngày trước. Đã đành ta chỉ có chừng ấy mối tình như con người muôn nơi và muôn thuở. Nhưng sống trên đất Việt Nam ở đầu thế kỷ hai mươi, những mối tình của ta không khỏi có cái màu sắc riêng, cái dáng dấp riêng của thời đại…” (Thi nhân Việt Nam, nxb Văn học, 2000, tr.19).

Đọc Thêm:  Top 6 Địa chỉ trang điểm dự tiệc đẹp nhất quận Tân Bình, TP. HCM

Theo Hoài Thanh, đã có một sự thay đổi tận gốc trong tâm tư, suy nghĩ của cả một thế hệ. Đến mức người ta “ không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước” được nữa. Đó là nói chung về một thế hệ, thế hệ các nhà thơ mới 1932-1945. Còn riêng với Nguyễn Bính thì khác. Ông có vẻ như chẳng có gì thay đổi trong tâm tư và suy nghĩ. Trong cách bộc lộ tình cảm, lối ví von, và sử dụng hình ảnh ông vẫn giữ nguyên cái phong cách chân quê đã được kết tinh qua mấy trăm năm trong thơ ca dân gian. 

Trong nỗi nhớ nhung của tình yêu của một chàng trai ở đầu thế kỷ hai mươi, Nguyễn Bính không khước từ cách nói vòng của dân gian : thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong…ông còn dùng nhiều cách nói theo lối khẩu ngữ của người nhà quê : Hai thôn chung lại một làng, bảo rằng cách trở đò ngang, nhà em có một giàn giầu/ nhà anh có một hàng cau liên phòng…

Hoài Thanh ngạc nhiên và cho rằng: “thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”. Nhưng tinh tế và chính xác hơn, ông còn cho rằng: đằng sau những câu thơ bình dị ấy có “hồn xưa của đất nước”. Và ông đã đúng.

Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính số 2

Với phong cách thơ bình dị, nhẹ nhàng, chân chất; Nguyễn Bính được xem là nhà thơ của đồng nội. Thơ Nguyễn Bính đi sâu vào tâm hồn người đọc bằng chất “quê” đặc biệt, chất “quê” của nông thôn Việt Nam. Tình yêu trong thơ ông rất đỗi ngọt ngào, sâu lắng và dìu dặt như chính con người ông. Bài thơ “Tương tư” rút trong tập “Lỡ bước sang ngang” giãi bày tâm sự thầm kín của một người đang yêu, đang thương nhớ, đang khắc khoải và mong chờ đau đáu.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Bính đặt tên bài thơ là “Tương tư”, đây là cảm giác nhớ thương của một kẻ đang yêu, nói đúng hơn là của kẻ yêu đơn phương, đang mong chờ được đáp lại. Mối tình ấy được ấp ủ, được dồn nén thành lời qua những vần thơ mộc mạc, chân thành nhất:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông 

Một người chín nhớ mười mong một người 

Nắng mưa là bệnh của giời 

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Một không gian thôn quê hiện lên thật bình dị, đơn sơ, và yên bình đến lạ. Thủ pháp nhân hóa được sử dụng rất tài tình, tinh tế. Tác giả mượn “thôn Đoài” và “thôn Đông” để nói lên nỗi nhớ từ tận sâu đáy lòng của mình. Chắc hẳn rằng người mà tác giả đang tương tư ở thôn Đông, còn tác giả lại ở thôn Đoài. Mối tình ấy ẩn mình trong sự thanh mát và bình dị của đồng quê.

Tinh tế và sâu sắc hơn nữa tác giả đã mượn chuyện nắng của của giời để trải lòng mình. Tác giả coi “tương tư” là một căn bệnh đã tiềm ẩn trong chính con người mình, cũng rất đỗi bình thường như bao chuyện khác, giống như quy luật của đất trời.

Chỉ với 4 câu thơ ấy, đã khiến người đọc thích thú muốn tìm hiểu về mối tương tư của anh chàng thôn Đoài và cô nàng thôn Đông này. Tuy nhiên đến những câu thơ tiếp theo, dường như lại là lời trách móc nhẹ nhàng và rất chừng mừng. Trách cô gái hững hờ, trách người ta sao lại vờ như không biết gì như thế:

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Những đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

Những câu hỏi dồn dập, nối tiếp nhau tạo nên sự bối rối, lo lắng và chồng chất nỗi niềm trong lòng chàng trai đang yêu. Tác giả đã mượn lối nói dân gian của ca dao, dân ca để hỏi dò cô gái sao lại hững hờ như vậy. Giọng điệu của câu thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển, tha thiết như truyền tải thông điệp đến cho cô gái.

Từ “cớ sao” như một lời trách nhưng lại rất tế nhị, đáng yêu. Mối tương tư của chàng trai trằn trọc suốt bao nhiêu đêm, nhưng chẳng biết ngỏ cùng ai, rồi cũng chẳng ai thấu cho. Bởi vậy mà chàng trai chỉ chờ đợi “bến gặp đò” để mình có thể gặp nàng. Nỗi băn khoăn trong lòng chàng trai cứ chồng chất, cứ dai dẳng và đợi chờ. Và rồi chàng trai lại tự hỏi:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Nhịp điệu của thơ lục bát uyển chuyển, nhẹ nhàng, tha thiết. Tác giả mượn “giàn trầu” và “hàng cau” để diễn tả nỗi nhớ da diết và quấn quýt như dây trầu quấn lấy thân cau. Nguyễn Bính thật khéo léo và tài hoa khi diễn tả nỗi nhớ bằng những hình ảnh thân quen và mộc mạc ấy. Ở 4 câu thơ này, người đọc nhận ra có sự thay đổi giữa cách xưng hô, tác giả đã mạnh dạn chuyển “tôi-nàng” thành “anh-em” rất táo bạo. Dấu hiệu này chứng tỏ mối tình này đã quá lớn, đã quá sâu và chàng trai muốn giãi bày trực tiếp với cô gái.

Cái “tôi” trữ tình của Nguyễn Bính đã được đẩy cao lên, dám bày tỏ, dám yêu. Nhưng tình cảm đó không táo bạo mà ngược lại rất chân thành, mãnh liệt, đồng thời lại rất tế nhị.

Bằng những vần thơ gần gũi, chân thành, đậm hương vị đồng quê, tác giả đã gieo vào lòng người đọc những tình cảm nhẹ nhàng, tha thiết nhất của những người đang yêu. Bài thơ như một nốt nhạc trong lành và yên bình nhất.

Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính số 10

Nguyễn Bính được mệnh danh là nhà thơ của đồng nội, những vần thơ nhẹ nhàng, chân chất của ông có thể dễ dàng mang đến những xúc động chân thành bên trong tâm hồn của độc giả. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính nhẹ nhàng nhưng vẫn ngọt ngào, sâu lắng. Một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất của Nguyễn Bính có thể kể đến Tương tư.

“Tương tư” là tâm sự của một chàng trai đang yêu đơn phương, sự dãi bày chân thành như mong muốn cô gái biết và đáp lại tình cảm ấy. Tâm sự của nhân vật trữ tình được nhà thơ Nguyễn Bính thể hiện bằng những lời thơ mộc mạc, chân thành mà cũng xúc động nhất:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Nắng mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Bính đã gợi mở ra không gian làng quê đầy bình dị, trong không gian ấy là sự xuất hiện của nhân vật trữ tình với những tình cảm chất chứa dành cho cô gái mình yêu. Mượn hình ảnh “Thôn Đoài”, “thôn Đông” tác giả không chỉ gợi ra sự gần gũi, bình dị của làng quê mà còn gợi mở khoảng cách về địa lí giữa chàng trai và cô gái mình yêu.

Tuy nhiên, khoảng cách về địa lí không thể ngăn cách được tình cảm như trào dâng da diết trong trái tim của nhân vật trữ tình “Một người chín nhớ mười mong một người”. Tình yêu, sự thương nhớ vốn là những tình cảm thường trực trong trái tim của kẻ đang yêu, ở đây nhân vật trữ tình yêu đơn phương cô gái nên tình cảm ấy càng da diết, cồn cào hơn.

Để lí giải về tình cảm chân thành mà da diết của chàng trai, tác giả Nguyễn Bính đã so sánh tình yêu của con người cũng tự nhiên như chuyện nắng mưa theo quy luật của tự nhiên “nắng mưa là bệnh của trời”, cũng như vật tương tư là thứ tình cảm sâu kín trong mỗi con người.

“Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”

Nếu ở bốn câu thơ đầu tiên tác giả hướng ngòi bút đến nỗi tương tư đầy da diết của nhân vật trữ tình thì ở những câu thơ tiếp theo lại là những lời như hờn giận, trách móc sự hững hờ, vô tình của cô gái. Trái ngược với sự nồng nhiệt trong tình cảm của chàng trai thì cô gái dường như không hề hay biết có người tương tư, thương nhớ mình đến thế. 

Có thể nói tác giả Nguyễn Bính đã tái hiện được những cảm xúc vô cùng chân thực của chàng trai khi yêu, đó là những phút nồng nhiệt, nhớ da diết, cũng là nỗi u sầu chất chồng nỗi niềm khi yêu mà không được đáp lại:

“Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?”

Hàng loạt những câu hỏi dồn dập không chỉ là lời trách yêu nhẹ nhàng mà còn tạo ra sự dồn rập, lo lắng trong tâm hồn của chàng trai. Tác giả Nguyễn Bính đã mượn lối nói của dân gian như thay lời chàng trai dò hỏi tại sao cô gái lại hờ hững, vô tình như vậy.

“Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn đông

Cau thôn Đoài ngồi nhớ trầu không bên nào?”

Đến cuối bài thơ, tác giả Nguyễn Bính đã mượn hình ảnh của hàng cau, lá trầu để hình tượng hóa cho mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình với cô gái mình yêu. Sự lớn mạnh trong cảm xúc, mạnh dạn trong lời nói được thể hiện trong chính cách thay đổi xưng hô từ “tôi-nàng”, “anh-em”. Lời hỏi trực tiếp chân thành, táo bạo mà vẫn thể hiện sự tế nhị, mãnh liệt trong tình cảm của chàng trai.

Bằng lời thơ giản dị, tình cảm chân thành mang đậm tính đồng nội, tác giả Nguyễn Bính đã thể hiện thành công tình yêu đơn phương mãnh liệt mà không kém phần khắc khoải trong tâm hồn của chàng trai đang yêu. Cảm xúc của bài thơ có thể dễ dàng tạo nên sự đồng điệu trong cảm xúc của những người đang yêu.

Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính số 7

Nhà thơ Nguyễn Bính được mệnh danh là “thi sĩ của đồng quê” bởi thơ của ông mang đậm phong vị dân gian, mang đến cho người đọc những hình ảnh gần gũi, thân thương của quê hương đất nước, của tình người đằm thắm. Bài thơ “Tương tư” rút trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” là một trong những sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ “chân quê” của Nguyễn Bính. Bài thơ đã ca ngợi vẻ đẹp của một tình yêu đôi lứa chân quê, mộc mạc mà chân thành, giản dị.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã nhắc đến “căn bệnh tương tư” tất yếu của những đôi lứa yêu nhau, trong trường hợp này đó là nỗi tương tư của chàng trai dành cho cô gái, đó là tình cảm đơn phương đang chờ ngày được hồi đáp:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông 

Đọc Thêm:  Top 2 Chung cư giá rẻ cho người thu nhập thấp tốt nhất quận Phú Nhuận, TP.HCM

Một người chín nhớ mười mong một người 

Gió mưa là bệnh của giời 

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Hai địa danh thôn Đoài, thôn Đông là hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho bên chàng trai, bên cô gái, cụ thể chàng trai ở thôn Đoài đang nhớ đến cô gái ở thôn Đông, lối hoán dụ này đã bộc lộ một chất quê mộc mạc chất phác. Điệp ngữ “một người” kết hợp với thành ngữ “chín nhớ mười mong” đã diễn tả đối tượng và nỗi nhớ mong da diết trong xa cách, nỗi nhớ ấy chính là căn bệnh tương tư, nhà thơ ví căn bệnh đó là điều dĩ nhiên giống như quy luật tự nhiên nắng mưa của trời đất.

Gió mưa là điều tất yếu của trời thì tương tư cũng là điều tất yếu khi yêu, sự liên tưởng và ví von độc đáo ấy đã góp phần đề cao tình yêu chân thành, sâu sắc của đôi trai gái. Căn bệnh tương tư ấy có biểu hiện vừa rõ ràng lại vừa phức tạp, những cung bậc cảm xúc và trạng thái của tương tư là rất đặc trưng. Điều dễ nhận thấy nhất chính là sự hờn dỗi, trách móc và trông ngóng chờ đợi được đáp lại tình cảm, bởi tình cảm của chàng trai là tình cảm đơn phương, đang chờ đợi sự hồi âm của cô gái:

“Hai thôn chung lại một làng 

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”

Cách nói “hai thôn chung một làng”, rồi “bên ấy” và “bên này” tạo cảm giác gần hơn về không gian, nên chàng trai trách móc một cách đầy tình tứ gần như vậy mà “sao bên ấy chẳng sang bên này”. Thời gian cứ trôi chảy “ngày lại qua ngày” gợi sự mòn mỏi chờ mong và ngán ngẩm của chàng trai, nỗi nhớ của chàng trai với cô gái đã nhuộm lá xanh thành vàng, sự chờ đợi đã trải dài theo năm tháng, tình cảm cũng giống như lá cây, sự chờ đợi khiến lòng người héo hon, tàn lụi và úa màu. 

Phải mang trong mình bệnh tương tư là sự khó chịu khó nói nên lời, chính vì thế, chàng trai đã buông lời trách cứ cô gái:

“Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…”

Từng câu thơ như những lời phủ định cho mọi sự cách trở xa xôi, cách nhau có một đầu đình, chẳng xa đến đâu nhưng đằng ấy lại chẳng chịu sang, có xa xôi ấy là tình xa xôi chứ không phải xa về khoảng cách địa lý. Lời hờn trách này quả thực rất đáng yêu, vì nhớ thương đến ngẩn ngơ, vì ôm niềm mong nhớ một mình mà cảm giác bị hững hờ, bỏ rơi đành quay ra trách cứ, lời trách cũng chính là lời bày tỏ tình cảm thật chân thành. 

Nỗi tương tư đã kéo dài thức mấy đêm, câu hỏi “Bao giờ bến mới gặp đò?” và “Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?” chính ám chỉ sự nôn nao mong được gặp gỡ người mình yêu, bến và đò, hoa khuê các và bướm giang hồ là những cặp hình ảnh tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, nhân vật trữ tình đang nuôi niềm mong ước sớm có ngày được gặp người mình yêu.

“Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Đoạn thơ cuối thể hiện một ước vọng khát khao về tình yêu đôi lứa cháy bỏng trong nhân vật trữ tình, vẫn là sự kín đáo, tinh tế và giản dị với hình ảnh cây cau, giàn giầu, thôn Đoài, thôn Đông. Những cặp tương ứng nhau như nhà anh – nhà em, cau – giầu, thôn Đoài – thôn Đông ấy là muốn nói đến sự gắn kết nhân duyên nên đôi lứa của chàng trai, khao khát hướng đến một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Với thể thơ lục bát quen thuộc mang đậm chất dân gian Việt Nam, kết hợp với ngôn từ gần gũi, bình dị, hình ảnh quen thuộc, cùng lối ví von dân dã và giọng điệu trữ tình lãng mạn, bài thơ “Tương tư” của nhà thơ Nguyễn Bính đã thực sự làm rung động lòng người bởi một tình yêu đôi lứa chân chất, mộc mạc.

Bài văn phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính số 8

Nếu như trong phong trào thơ mới Xuân Diệu tiếp thu những nét thơ hiện đại phương Tây để làm nên những đặc sắc thơ của chính mình thì Nguyễn Bính lại giữ nguyên những giá trị truyền thống để làm nên những phong cách của mình. Ông lưu giữ những màu sắc dân tộc Việt Nam.

Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật ấy là bài thơ tương tư, có thể nói bài thơ thể hiện được những trạng thái cảm xúc của những con người đang yêu nhau.Mở đầu bài thơ hình ảnh nhớ mong, có thể nói nỗi tương tư tình cảm nhớ nhung ấy không thể nào khiến cho nhà thơ dồn nén được nữa cho nên nhà thơ bật ngay trong những câu thơ đầu nỗi lòng mình:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông 

Một người chín nhớ mười mong một người 

Gió mưa là bệnh của giời 

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông hiện lên quen thuộc, nhịp điệu như dìu dặt đưa thoi như những câu ca dao của thời xưa. Tình yêu của những đôi trai gái phát sinh nảy nở giữa không gian làng quê. Đó chính là không gian của hai thôn là thồn Đoài và thôn Đông. Hai hình ấy như đại diện thay mặt cho anh và em.

Ở đây ta thấy phong cách nghệ thuật của nhà thơ, nhà thơ không bày tỏ tình cảm một cách hiện đại như Xuân Diệu mà ông chọn cách thể hiện kín đáo như ca dao xưa. Không những thế thì hình ảnh của hai thôn này còn xuất hiện rất nhiều trong thơ Nguyễn Bính. Một người ngồi đây chín nhớ mười thương một người. Câu thơ gợi cho ta nhớ đến câu ca dao “Chín nhớ mười thương” của ca dao. 

Ở đây nhà thơ đã sử dụng sáng tạo câu ca dao ấy qua đó ta thấy được những nét truyền thống trong thơ Nguyễn Bính. Đồng thời thể hiện được tâm trạng nhớ thương của người con trai dành cho người con gái. Không dừng lại ở đó mà nhà thơ còn thể hiện được những nỗi nhớ kia qua việc so sánh việc nắng mưa của trời và việc nhớ thương của người đang yêu. 

Nắng mưa chính là những hiện tượng tự nhiên hàng hữu thì nỗi nhớ, sự tương tư kia cũng chính là sự hằng hữu trong chính trái tim của người con trai đang yêu. Đã yêu là phải nhớ, phải tương tư, nó là một quy luât như nắng mưa của trời vậy.

Đến những câu thơ tiếp theo thì chúng ta lại thấy những lời trách móc của chàng trai khi thấy được thể hiện lên. Những hình ảnh thân thuộc của giếng nước, gốc đa, mái đình lại xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính:

“Hai thôn chung lại một làng 

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này? 

Ngày qua ngày lại qua ngày 

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng 

Bảo rằng cách trở đò giang 

Không sang là chẳng đường sang đã đành 

Nhưng đây cách một đầu đình 

Có xa xôi mấy cho tình xa xôi? 

Tương tư thức mấy đêm rồi 

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

Bao giờ bến mới gặp đò 

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”

Hai thôn ấy chung một làng mà sao nghe cách xa đến vậy, nếu mà nhớ người ta thì phải tìm đường mà sang thăm người ta chứ đằng này lại còn trách người ta không sang với mình. Cũng không biết được rằng có phải cô gái không sang không hay là tại vì nỗi tương tư kia khiến cho người tương tư thấy thời gian quá dài làm cho họ tưởng rằng đã bao lâu rồi không thấy người thương sang. 

Mà khi người ta đã tương tư rồi thì lúc nào cũng thấy người kia vô tâm, vô tình lắm. Những ngày qua ngày mà nhà thơ cứ tưởng là đã qua mấy mùa rồi. Vì buồn nhớ cho nên nhìn cảnh vật cũng như thay đổi “lá xanh đã nhuộm thành cây lá vàng”. Chỉ có những người tương tư mới có thể hiểu hết được tâm trạng chờ đợi người yêu đến, một phút mà dài tựa ba thu. 

Thế rồi nhà thơ khẽ trách người yêu của mình vì nếu có cách sông thì còn không sang được huống chi đây cách có mỗi một đầu đình mà sao nghe tình cảm xa xôi quá trời. Trách rồi nhà thơ lại giãi bày những nỗi tương tư của mình. Chính bởi tương tư nàng nên nhà thơ mới thức trắng mấy đêm rồi. 

Một câu hỏi cất lên vừa là lời trách móc, vừa là lời bày tỏ tình cảm lại vừa là một câu hỏi không có câu trả lời. Thức trắng đêm không biết vì ai, cho ai, nói như thế nhà thơ nhằm thể hiện cái “ai” ở kia chính là người con gái. Trong sự trách móc hờn giận ấy nhà thơ tự hỏi không biết đến khi nào thì hai người mới gặp được nhau. Hình ảnh bến đò trong những câu thơ tình lại hiện lên trong tương tư của Nguyễn Bính. Ở đây không thể hiện sự lìa xa mà mong ước đoàn tụ.

Những câu thơ cuối bài cất lên như một ước nguyện với cái kết viên mãn của một lễ vu quy giản dị nhưng lại hạnh phúc:

“Nhà em có một giàn giầu 

Nhà anh có một hàng cau liên phòng 

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông 

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Hình ảnh trầu cau thể hiện ước nguyện đến bên nhau của nhà thơ với người con gái mình yêu. Gian giầu kia cũng như đang chờ đợi hàng cau đến để làm nên những miếng trầu kết duyên vợ chồng. Từ nôi nhớ tương tư kia nhà thơ mong muốn được nên duyên vợ chồng với người con gái nọ.

Miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu như gợi ta nhớ đến sự tích trầu cau trong truyện cổ tích. Chính sự tích ấy đã mang lại những miếng trầu thật ngon thấm đẫm tình vợ chồng. Nét quê hương hiện lên qua hình ảnh trầu cau ấy, lễ vật cho ngày cưới thiếu gì thì thiếu chứ không thể nào thiếu được trầu cau. 

Câu thơ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” một lần nữa lại được cất lên. Như vậy mở đầu bằng nỗi nhớ thì cuối cùng nhà thơ cũng kết thúc bằng một nỗi nhớ. Và câu thơ cuối lại như trách móc rằng không biết cau thôn Đoài hay chính là người con gái kia có nhớ đến mình không hay là nhớ đến người khác.

Như vậy qua đây ta thấy được những tâm tư tình cảm của nhà thơ khi viết bài thơ này. Có thể nói chính những hình ảnh làng quê quen thuộc với những câu thơ mang đậm chất truyền thống dân tộc và mang hơi thở của ca dao nên bài thơ cứ thế đi vào lòng người với những giai điệu nhịp nhàng nhưng lôi cuốn. Nỗi tương tư được thể hiện rất kín đáo và thân thương. Cả bài thơ kết tụ của nỗi nhớ tương tư người yêu thế rồi cảm thấy người ta như đang vô tâm với mình vậy.

Xem Clip Review, Chia Sẻ Thông Tin Đáng Chú Ý

✅ Top Đánh Giá ⭕ Dịch Vụ Tốt
✅ Top Review Sản Phẩm Tốt
✅ Top Bình Luận Tin Tức Mới
✅ Top Chia Sẻ Kiến Thức Hay
✅ Top Trường Hợp Đúng và Sai
Rate this post

Related Posts

Để lại một bình luận