Bài văn phân tích tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm số 4
Đất nước” là một trong những bài thơ hay nói về khát vọng yêu nước trong mỗi một con người Việt Nam. Dưới đây là bài phân tích về các trích đoạn trong bài thơ “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
(…) Đất Nước có từ ngày đó”.
Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Những năm 1970, 1971,… ông sống và hoạt động tại chiến trường Trị – Thiên; trường ca “Mặt đường khát vọng” được ông sáng tác vào thời gian ấy. Chương V “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng”.
Phần đầu 42 câu tác giả nhận diện Đất Nước có nguồn gốc lâu đời. Tục ăn trầu, cổ tích Trầu – Cau, truyền thuyết Thánh Gióng dùng gốc tre đánh đuổi giặc Ân mà “mẹ thường hay kể”:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”.
Nhà thơ cảm nhận Đất Nước trong dòng chảy thời gian “đằng đẵng”, trên không gian địa lí “mênh mông”, qua sự tích “Trăm trứng” và giỗ Tổ Hương Vương. Nhà thơ bằng giọng tâm tình đã dẫn hồn ta ngược thời gian bốn nghìn năm trở về cội nguồn Đất Nước:
“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
(…) Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.
Tục “bới tóc xăm mình” của người Lạc Việt, câu ca dao “gừng cay muối mặn” nói về đạo vợ chồng, ngôn ngữ dân tộc hình thành, phát triển, nên “cái kèo, cái cột thành tên”, công việc cấy cày làm ăn “xay, giã, giần, sàng” được chỉ rõ. Cội nguồn “Đất Nước có từ ngày đó”. Đất Nước trong quá khứ mang vẻ đẹp kì diệu, huyền thoại:
“Đất là nơi “con chim Phượng Hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá Ngư Ông móng nước biển khơi”.
Đất Nước hiện tại gắn bó yêu thương với mọi người, “trong anh và em hôm nay – Đều có một phần Đất Nước”. Mai này Đất Nước nhiều “mơ mộng”. Yêu nước là nghĩa vụ thiêng liêng:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa than cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời”.
Phần thứ hai có 68 câu (Văn 12 chỉ trích học 47 câu) nói về tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân”. Nhân Dân sáng tạo ra Đất Nước. Các danh lam thắng cảnh đều biểu tượng cho phẩm chất cao đẹp, “lối sống” của ông cha như tình nghĩa vợ chồng thủy chung, tình yêu lứa đôi thắm thiết, sức mạnh quật khởi, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, truyền thống hiếu học của Nhân Dân ta:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
99 con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương”.
Núi Bút non Nghiên, vịnh Hạ Long, ông Đốc Ông Trang… đều do Nhân Dân ta “góp cho”, “cùng góp cho”, “góp tên” – mà Đất Nước đẹp tươi, hùng vĩ. “Bốn nghìn lớp người” đã đem mồ hôi, xương máu ra xây dựng và bảo vệ Đất Nước: “Khi có giặc người con trai ra trận – Người con gái trở về nuôi cái cùng con – Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Nhân Dân đã sáng tạo ra Đất Nước và làm chủ Đất Nước. Họ là những con người vô danh mà vĩ đại:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.
Nhân Dân là người sản xuất “giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng”. Nhân Dân đã sáng tạo ra ngôn ngữ “truyền giọng điệu của mình cho con tập nói”. Nhân Dân đã diệt thù trong giặc ngoài để giữ gìn Đất Nước, làm cho Đất Nước ngày thêm giàu đẹp:
“Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân
Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”.
Tóm lại, Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng sáng tạo tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ, phong tục, ngôn ngữ để cảm nhận về nguồn gốc lâu đời của Đất Nước, khẳng định Nhân Dân vĩ đại đã sáng tạo ra Đất Nước và làm chủ Đất Nước. Chương “Đất Nước” chứa chan tình yêu và niềm tự hào dân tộc.
Đoạn thơ 9 câu dưới đây trích trong phần đầu chương “Đất Nước” thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” (1971) của Nguyễn Khoa Điềm:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
………………………………………..
Đất Nước có từ ngày đó”.
Đoạn thơ đã nói lên một cách dung dị mà thấm thía về cội nguồn sâu xa của Đất Nước. Giọng điệu thủ thỉ tâm tình, nhà thơ gợi lên một không khí trầm lắng như kể chuyện cổ tích, như dẫn hồn ta ngược thời gian trở về cội nguồn Đất Nước và dân tộc. Bốn chữ “ngày xửa ngày xưa” dùng rất khéo:
“Khi ta lớn lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể”.
Chữ “có” trong “đã có rồi”, “Đất Nước có trong những cái…” đã làm cho ý thơ khẳng định, tỏa sáng niềm tin. Tục ăn trầu, truyện cổ tích Trầu – Cau gợi lên hình ảnh Đất Nước. Nước xa xưa, “Đất Nước bắt đầu”… Truyền thuyết Thánh Gióng cho biết sự vươn mình của dân tộc, đánh dấu sức mạnh quật khởi “Đất Nước lớn lên”. Câu thơ mở rộng đến 12, 13 chữ, với cách gieo vần lưng (đầu – trầu, ăn – dân) nên vẫn thanh thoát, giàu âm điệu:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”.
Hai chữ “lớn lên” liên tưởng đến hình ảnh chú bé làng Gióng lên ba vươn vai thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt khi Đất Nước bị giặc Ân xâm lược. Rồi nhà thơ nói đến phong tục và đạo lí tốt đẹp lâu đời của nhân dân ta. Phong tục “búi tóc” của người Lạc Việt. Câu ca dao nói về đạo vợ chồng: “Tay bưng chén muối đĩa gừng – Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” đã nhập hồn vào câu thơ Nguyễn Khoa Điềm:
“Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”.
Chuyện “ngày xửa ngày xưa” nhưng vẫn hiện diện trên “tóc mẹ”, trong tình thương của “cha mẹ” bây giờ. “Đất Nước đã có rồi”, “Đất Nước có…”, “Đất Nước bắt đầu”, “Đất Nước lớn lên” và Đất Nước đang hiện diện quanh ta, gần gũi ta. Tiếp theo, nhà thơ lấy sự hình thành và phát triển ngôn ngữ dân tộc để nói về nguồn gốc lâu đời của Đất Nước. Mỗi vật dụng đều có một cái tên riêng: “Cái cột, cái kèo thành tên”.
Nhân Dân ta có nghề trồng lúa nước lâu đời. Nghề trồng lúa nước tạo nên nền văn minh sông Hồng. Khi hạt gạo được sáng tạo nên bằng công sức “một nắng hai sương”, thì ngôn từ “xay, giã, giần, sàng” cũng xuất hiện. Tiếng Việt là của quý lâu đời của Đất Nước ta, Nhân Dân ta. Cách nói của Nguyễn Khoa Điềm thật ý vị:
“Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó”.
Lấp lánh trong đoạn thơ là hình ảnh Đất Nước thân yêu. Quá khứ của Đất Nước “ngày xửa ngày xưa” đồng hiện trong “miếng trầu bây giờ bà ăn”. Có Đất Nước anh hùng “biết trồng tre mà đánh giặc”. Có Đất Nước cần cù trong lao động sản xuất: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Có nền văn hóa giàu bản sắc, nền văn hiến rực rỡ hội tụ qua thuần phong mĩ tục (tục ăn trầu, tục bới tóc), qua tục ngữ ca dao “gừng cay muối mặn”, qua cổ tích thần thoại, truyền thuyết.
Đoạn thơ 9 câu, 85 chữ mà không hề có một từ Hán Việt nào. Ngôn từ bình dị, cách nói biểu cảm thân mật. Hiện diện trong đoạn thơ là: ta, dân mình, bà, cha, mẹ. Có miếng trầu, cây tre, tóc mẹ,… Có “gừng cay muối mặn”, cái kèo, cái cột, hạt gạo, v.v… Thật là thân thuộc và gần gũi, sâu xa và thấm thía, rung động. Tưởng tượng thì phong phú, liên tưởng thì bao la.
Đoạn thơ đã “nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp” để ta yêu thêm Đất Nước và tự hào về Đất Nước. Cấu trúc đoạn thơ: “tổng – phân – hợp”; mở đầu là câu “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”, khép lại đoạn thơ là câu “Đất Nước có từ ngày đó”. Tính chính luận đã làm sáng đẹp chất trí tuệ kết hợp hài hòa với chất trữ tình đậm đà. Đoạn thơ mang vẻ đẹp độc đáo nói về cội nguồn Đất Nước thân yêu.
Bài văn phân tích tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm số 1
Đất nước luôn là tiếng gọi thiêng liêng muôn thuở, muôn nơi và của bao triệu trái tim con người. Đất nước đi vào đời chúng ta qua những lời ru ngọt ngào êm dịu, qua những làn điệu dân ca mượt mà và những vần thơ sâu lắng, thiết tha và rất đỗi tự hào của bao lớp thi nhân.
Ta bắt gặp một hình tượng đất nước đau thương nhưng vẫn ngời lên ý chí đấu tranh trong trang thơ Nguyễn Đình Thi đồng thời cũng rất dịu dàng ý tứ trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng với Nguyễn Khoa Điềm, ta bắt gặp một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện khác nhau về một đất nước của nhân dân. Tư tưởng ấy đã qui tụ mọi cách nhìn và cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước.
Thông qua những vần thơ kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ, trữ tình và chính luận, nhà thơ muốn thức tỉnh ý thức, tinh thần dân tộc, tình cảm với nhân dân, đất nước của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm chống Mĩ cứu nước. Mở đầu đoạn trích là giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ như những lời tâm tình kết hợp với hình ảnh thơ bình dị gần gũi đưa ta trở về với cội nguồn đất nước.
Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa
Ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết
trồng tre mà đánh giặc.
Đất nước trước hết không phải là một khái niệm trừu tượng mà là những gì rất gần gũi, thân thiết ở ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi con người. Đất Nước hiện hình trong câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa mẹ kể, trong miếng trầu của bà, cây tre trước ngõ… gợi lên một Đất nước Việt Nam bao dung hiền hậu, thủy chung và sắt son tình nghĩa anh em, nhưng cũng vô cùng quyết liệt khi chống quân xâm lược.
Mỗi quả cau, miếng trầu, cây tre đều gợi về một vẻ đẹp tinh thần Đất nước, đều thấm đẫm ngọn nguồn lịch sử dân tộc. Đất nước còn là hiện thân của những phong tục tập quán ngàn đời, minh chứng của một dân tộc giầu truyền thống văn hóa, giầu tình yêu thương gắn bó với mái ấm gia đình.
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn. Gừng tất nhiên là cay, muối tất nhiên là mặn. Tình yêu cha mẹ mãi mãi mặn nồng như chính chân lí tự nhiên kia. Hình ảnh thơ khiến ta rưng rưng nhớ về một lời nhắc nhở thiết tha về tình nghĩa của một ai đó hôm nào: Tay bưng dĩa muối chén gừng, Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau. Đất nước còn là thành quả của công cuộc lao động vất vả để sinh tồn, để dựng xây nhà cửa:
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay,
giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó .
Ở đây Đất nước không còn là một khái niệm trừu tượng nữa mà cụ thể, quen thuộc và giản gị biết bao . Việc tác giả sử dụng những chất liệu dân gian để thể hiện suy tưởng của mình về đất nước với quan niệm “Đất nước của nhân dân”. Vẫn bằng lời trò chuyện tâm tình với mỗi nhân vật đối thoại tưởng tượng, Nguyễn Khoa Điềm đã diễn giải khái niệm đất nước theo kiểu riêng của mình:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc
khăn trong nỗi nhớ thầm.
Đất nước không chỉ được cảm nhận bởi không gian địa lí mênh mông từ rừng đến bể mà còn được cảm nhận bởi không gian sinh hoạt bình thường của mỗi người, không gian của tình yêu đôi lứa, không gian của nỗi nhớ thương. Ý niệm về đất nước được gợi ra từ việc chia tách hai yếu tố hợp thành là đất và nước với những liên tưởng gợi ra từ đó. Sử dụng lỗi chiết tự mà vẫn không ngô nghê, mà vẫn thật duyên dáng và ý nhị, có thể gợi ra cho thấy một quan niệm mang những đặc điểm riêng của dân tộc ta về khái niệm đất nước, mà tư duy thơ có thể tách ra, nhấn mạnh .
Đất mở ra cho anh một chân trời kiến thức, nước gột rửa tâm hồn em trong sáng dịu hiền. Cùng với thời gian lớn lên đất nước trở thành nơi anh và em hò hẹn. Không những thế, đất nước còn người bạn chia sẻ những tình cảm nhớ mong của những người đang yêu.
Đất và nước tách rời khi anh và em đang là hai cá thể, còn hòa hợp khi anh và em kết lại thành ta. Chiếc khăn – biểu tượng của nỗi nhớ thương – đã từng làm bao trái tim tuổi trẻ bâng khuâng: “Khăn thương nhớ ai, Khăn rơi xuống đất …”, một lần nữa lại khiến lòng người xúc động, bồi hồi trước tình cảm chân thành của những tâm hồn yêu thương say đắm.
Đất Nước còn là nơi trở về của những tâm hồn thiết tha với quê hương. Hình ảnh con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, con cá ngư ông móng nước biển khơi mang phong cách dân ca miền Trung, thấm đẫm lòng yêu quê hương cả tác giả. Đất Nước mình bình dị, quen thuộc nhưng đôi khi cũng lớn rộng, tráng lệ và kì vĩ vô cùng, nhất là đối với những người đi xa . Dù chim ham trái chín ăn xa, thì cũng giật mình nhớ gốc cây đa lại về . Gia đình Việt Nam là như thế, lúc nào cũng hướng về quê hương, hướng về cội nguồn .
Đất Nước trường tồn trong không gian và thời gian: Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông để mãi mãi là nơi dân mình đoàn tụ, là không gian sinh tồn của cộng đồng Việt Nam qua bao thế hệ. Nguyễn Khoa Điềm gợi lại truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, về truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ tổ.
Nhắc lại Lạc Long Quân và Âu Cơ, nhắc đến ngày giỗ tổ, Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn của dân tộc. Dù bôn ba chốn nào, người dân Việt Nam cũng đều hướng về đất tổ, nhớ đến dòng giống Rồng Tiên của mình. Nhắc đến chuyện xưa ấy như để khẳng định, cũng là để nhắc nhở:
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Cảm hứng thơ của tác giả có vẻ phóng túng , tự do nhưng thật ra đây là một hệ thống lập luận khá rõ mà chủ yếu là tác giả thể hiện đất nước trong ba phương diện: trong chiều rộng của không gian lãnh thổ địa lí, trong chiều dài thăm thẳm của thời gian lịch sử, trong bề dày của văn hóa – phong tục, lối sống tâm hồn và tính cách dân tộc.
Ba phương diện ấy được thể hiện gắn bó thống nhất và ở bất cứ phương diện nào thì tư tưởng đất nước của nhân dân vẫn là tư tưởng cốt lõi , nó như một hệ qui chiếu mọi cảm xúc và suy tưởng của nhà thơ. Và cụ thể hơn nữa , gần gũi hơn nữa , Đất nước ở ngay trong máu thịt của mỗi chúng ta:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước
Đất nước đã thấm tự nhiên vào máu thịt, đã hóa thành máu xương của mỗi con người, vì thế sự sống của mỗi cá nhân không phải là riêng của mỗi con người mà là của cả đất nước. Mỗi con người đều thừa hưởng ít nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần của đất nước, phải giữ gìn và bảo vệ để làm nên đất nước muôn đời.
Từ những quan niệm như vậy về đất nước, phần sau của tác phẩm tác giả tập trung làm nổi bật tư tưởng : Đất nước của nhân dân, chính Nhân dân là người đã sáng tạo ra Đất nước. Tư tưởng đó đã dẫn đến một cái nhìn mới mẻ, có chiều sâu về địa lí, về những danh lam thắng cảnh trên khắp mọi miền đất nước.
Những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, những núi Bút non Nghiên… không còn là những cảnh thú thiên nhiên nữa mà được cảm nhận thông qua những cảnh ngộ, số phận của nhân dân, được nhìn nhận như là những đóng góp của nhân dân , sự hóa thân của những con người không tên tuổi: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu, Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái” , “Người học trò thắng cảnh”.
Ở đây cảnh vật thiên nhiên qua cách nhìn của Nguyễn Khoa Điềm, hiện lên như một phần tâm hồn, máu thịt của nhân dân . Chính nhân dân đã tạo dựng nên đất nước, đã đặt tên, đã ghi dấu vết cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông. Từ những hình ảnh, những cảnh vật, những hiện tượng cụ thể, nhà thơ qui nạp thành một khái quát sâu sắc:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi ! Đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.
Tư tưởng Đất nước của nhân dân đã chi phối cách nhìn của nhà thơ khi nghĩ về lịch sử bốn nghìn năm của đất nước . Nhà thơ không ca ngợi các triều đại, không nói đến những anh hùng được sử sách lưu danh mà chỉ tập trung nói đến những con người vô danh, bình thường, bình dị. Đất nước trước hết là của nhân dân, của những con người vô danh bình dị đó.
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất nước
Họ lao động và chống giặc ngoại xâm, họ đã giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau các giá trị văn hóa, văn minh, tinh thần và vật chất của đất nước từ hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói, tên xã, tên làng đến những truyện thần thoại, câu tục ngữ, ca dao . Mạch cảm xúc lắng tụ lại để cuối cùng dẫn tới cao trào, làm nổi bật lên tư tưởng cốt lõi của cả bài thơ vừa bất ngờ, vừa giản dị và độc đáo.
Đất nước này là Đất nước nhân dân
Đất nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại
Một định nghĩa giản dị, bất ngờ về Đất nước. Đất nước của ca dao thần thoại nhưng vẫn thể hiện những phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, của dân tộc: Thật đắm say trong tình yêu, biết quí trọng tình nghĩa và cũng thật quyết liệt trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Những câu thơ khép lại tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương với một tâm hồn lạc quan phơi phới . Tất cả ào ạt tuôn chảy trong tâm trí người đọc những tí tách reo vui… Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành công cho mảng thơ viết về Đất nước . Từ những cảm nhận mang tính gần gũi, quen thuộc, Đất nước không còn xa lạ, trừu tượng mà trở nên thân thiết nhưng vẫn rất thiêng liêng .
Đọc Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm ta không chỉ tìm về cội nguồn dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam trong mọi thời đại .
Bài văn phân tích tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm số 5
Nền văn học Việt Nam giai đoạn năm 1945-1975 là nền văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, bên cạnh các đề tài “lực lượng vũ trang- chiến tranh cách mạng” thì các đề tài xây dựng đất nước, hoặc ca ngợi đất nước cũng được nhiều tác giả chọn đưa vào tác phẩm của mình mới những vần thơ, lời văn chân thành tha thiết, thấm đẫm hào khí dân tộc.
Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng chọn cho mình đề tài đất nước, giữa những năm tháng cuộc chiến đấu của nhân dân đang vào lúc cao trào sục sôi máu lửa. Thế nhưng Nguyễn Khoa Điềm không đặt nặng trong tác phẩm của mình màu sắc tuyên truyền, không ồn ào, rộn rã mà ông cho riêng cho mình một chất giọng êm dịu, thiết tha, gần gũi và thân thuộc.
Nguyễn Khoa Điềm đã nhìn đất nước bằng một cách rất riêng, bằng một cảm xúc mới lạ giữa thời chinh chiến “hoa lửa”, ông nhìn nhận Tổ quốc từ những điều giản dị, từ những con người rất đỗi bình thường. Sử dụng thành công giọng thơ mang tính triết luận trữ tình, đặc biệt là sự kết hợp với các chất liệu văn hóa dân gian lấy từ vốn hiểu biết rộng lớn của nhà thơ về văn hóa ngàn đời của dân tộc.
Tất cả đã tạo nên một Đất Nước với vẻ giản dị, thân thương, Đất Nước của nhân dân, một Đất Nước bước ra từ những câu chuyện kể, những truyền thuyết, những phong tục tập quán của 4000 năm văn hiến tự hào.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
Trong trích đoạn Đất Nước, đầu tiên tác giả đi vào phân tích và làm rõ vấn đề Đất Nước có từ bao giờ. Trong 9 câu thơ đầu, Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ ra rằng Đất Nước đã có từ rất lâu đời, gắn liền với những truyền thuyết, với những câu chuyện cổ tích đã có từ những ngày xửa, ngày xưa.
Câu “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn” gợi cho chúng ta nhớ đến sự tích Trầu Cau, khơi gợi lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, ấy là tình nghĩa anh em sâu đậm, tình nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung.
Không chỉ vậy từ hình ảnh miếng trầu bà ăn tác giả còn gợi lại những cái phong tục đẹp của nhân dân ta ấy là tục ăn trầu nhuộm răng có có từ thuở vua Hùng dựng nước và giữ nước. Cùng với sự tích Trầu Cau, thì qua câu thơ “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” tác giả lại tiếp tục gợi nhắc chúng ta nhớ về truyền thuyết Thánh Gióng vô cùng quen thuộc, gợi nhắc về truyền thống yêu nước, bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Như vậy, có thể thấy rằng Đất Nước hình thành từ nền tảng là tình nghĩa sâu nặng của dân tộc, thế nhưng Đất Nước chỉ có thể lớn lên khi nhân dân ta có được tinh thần yêu nước, có được lòng dũng cảm, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giữ nước. Đi từ những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết xa xưa thì tác giả lại tiếp tục chỉ ra Đất Nước có từ rất lâu đời, bắt đầu từ những thuần phong mỹ tục.
“Tóc mẹ thì bới sau đầu”, nhắc người đọc nhớ lại phong tục búi tóc thành búi tóc tròn, thấp sau gáy của các bà, các mẹ thời xưa. Mà dù cho đã qua hàng ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, mấy chục năm trời Pháp thuộc, thế nhưng cho đến khi Nguyễn Khoa Điềm viết Trường ca Mặt đường khát vọng, búi tóc ấy vẫn giữ cho mình dáng vẻ ban đầu không đổi, vẫn kiên cường trụ vững sau gáy của người phụ nữ Việt Nam.
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”, chính là đại diện cho truyền thống coi trọng tình nghĩa vợ chồng, càng trong những thử thách, gian lao thì vợ chồng lại càng trở nên thương yêu và gắn kết bền chặt với nhau hơn.
Thứ ba nữa, Đất Nước có từ rất lâu đời được hình thành cùng với tiến trình phát triển của con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường. “Cái kèo cái cột thành tên”, từ chỗ con người ta sống tạm bợ trong những hang đá thô sơ, từ nhân dân ta đã bắt đầu chủ động hơn trong cuộc sống biết xây dựng nên các mái nhà che mưa, che nắng cho mình.
Rồi “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần, sàng”, ta cũng thấy được từ cái chỗ nhân dân ta sống phụ thuộc vào thiên nhiên với công việc hái lượm bấp bênh, thì người Việt Nam đã bắt đầu biết đến nền văn minh lúa nước, biết tạo ra hạt thóc hạt gạo làm lương thực chính để phục vụ cuộc sống.
Và cuối cùng sau khi dùng ba ý trên để trả lời cho câu hỏi Đất Nước có từ khi nào, tác giả đã chốt lại bằng câu thơ “Đất Nước có từ ngày đó”, “ngày đó” là ngày những truyền thuyết, cổ tích ra đời, là ngày chúng ta có thuần phong mỹ tục, là ngày mà chúng ta biết trồng tre diệt giặc, cũng là ngày bà con người Việt Nam ta biết dựng nhà, trồng lúa.
Có thể nói Đất Nước mà Nguyễn Khoa Điềm gợi lại thông qua các chất liệu văn hóa dân gian lâu đời của dân tộc đã đem đến cho người đọc những xúc cảm gần gũi, thân thuộc và bình dị, để lại trong tâm hồn con người cảm giác tha thiết và gắn bó vô cùng.
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Sau câu hỏi Đất Nước có từ bao giờ, Nguyễn Khoa Điềm lại tiếp tục khai thác hình tượng Đất Nước ở câu hỏi “Đất Nước là gì?”. Ông không trả lời khái niệm này theo cách của các nhà khoa học mà là dưới cương vị của một nhà thơ, dùng lối chiết tự, tách Đất Nước thành hai thành tố là “Đất” và “Nước” để mà định nghĩa, giúp người đọc có được cách hiểu chính xác nhất, đầy đủ nhất về khái niệm Đất Nước.
Về phương diện địa lý Nguyễn Khoa Điềm ví ““Đất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm” là không gian gần gũi, thân thuộc đối với mỗi người trong cuộc sống đời thường. Rồi “Đất Nước là nơi ta hò hẹn/Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.
Tác giả đã hợp hai thành tố lại thành “Đất Nước” theo thời gian anh và em lớn dần lên, nếu trước đây anh và em là hai cá thể và Đất Nước cũng tách riêng ra thì bây giờ anh và em đã hợp lại thành một cặp tình nhân “hò hẹn” và Đất Nước trở thành một cái không gian riêng tư, thầm kín cho tình yêu của lứa đôi. Không chỉ thế “Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc…
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ” lại cho ta thấy Đất Nước ở một dáng vẻ khác, nếu ở trên ta thấy một Đất Nước nhỏ bé dung dị thì tới những câu thơ này ta lại thấy Đất Nước mang một dáng vẻ kỳ vĩ và lớn lao được đo bằng sải cánh của con chim phượng hoàng bay về núi bạc, được đo bằng sự mênh mông, rộng lớn của biển khơi.
Và cuối cùng dù đi đâu về đâu thì phượng hoàng cũng phải về núi, cá ngư ông thì phải vùng vẫy ở biển và dân tộc Việt Nam thì phải đoàn tụ ở nơi có tên là Đất Nước. Như vậy có thể tóm gọn lại Đất Nước chính là nơi trở về của những tâm hồn thiết tha với quê hương.
“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”
Về phương diện thời gian lịch sử, tác giả đã trả lời cho câu hỏi Đất Nước là gì bằng một cái nhìn bao quát suốt chiều dài thời gian lịch sử để đưa ra một câu trả lời chính xác nhất. Trong quá khứ đó là một Đất Nước thiêng liêng và lớn lao, khi tác giả gợi nhắc về truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, gợi nhắc về giống nòi cao quý của dân tộc ta, vốn là con rồng cháu tiên.
Đồng thời còn gợi nhắc về truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông, mở ra triều đại đầu tiên của nước ta, triều đại vua Hùng tục truyền kéo dài đến 18 đời. Kèm với đó là những lời dặn dò chân thành tha thiết, phải biết kế tục hương hỏa, duy trì nòi giống dân tộc, phải đứng lên mạnh giữ gìn non sông gấm vóc, và luôn nhớ về nguồn cội của mình với tấm lòng thành kính, trân trọng.
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn”
Trong hiện tại, Đất Nước hiện lên một cách gần gũi và thân thuộc, hiện diện ở trong mỗi con người, bao gồm ngôn ngữ để con người giao tiếp tư duy, bao gồm cả những phong tục tập quán tốt đẹp vẫn tồn tại trong từng nếp sống. “Khi hai đứa cầm tay/Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm” là sự tiếp nối của ý thơ “Đất Nước là nơi ta hò hẹn”, thì đến đây trên cơ sở tình yêu lứa đôi mỗi con người phải có trách nhiệm xây dựng một tổ ấm để góp phần xây dựng một “Đất Nước hài hòa nồng thắm”.
Không chỉ dừng lại ở đó, trách nhiệm của mỗi con người còn là “cầm tay mọi người”, phải nối vòng tay lớn, xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng vững mạnh để tạo nên một “đất nước vẹn trong to lớn” để sánh vai với các cường quốc năm châu. Không chỉ vậy hình ảnh thơ “cầm tay mọi người” còn gợi nhắc về nguồn gốc tổ tiên, nhắc nhở chúng đều cùng một mẹ sinh ra, thế nên phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng”
Trong tương lai đó là một Đất Nước với triển vọng tươi sáng, những thế hệ tương lai được kỳ vọng, được đặt lên vai cái trách nhiệm lớn lên cả về trí tuệ lẫn tầm vóc, để làm nên những điều kỳ diệu cho cả dân tộc cả Đất Nước. Con sẽ đưa Đất Nước đi xa, sánh vai cùng với các cường quốc trên thế giới, đưa Đất Nước trở nên giàu đẹp vững mạnh gấp nhiều lần hôm nay.
Sau khi đã định nghĩa một cách rõ ràng Đất Nước cả về không gian và thời gian, cả về địa lý lẫn lịch sử thì Nguyễn Khoa Điềm đã chốt lại bằng những câu thơ rất tha thiết về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Đất Nước.
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Lời thơ như là lời tâm tình của người anh với người em, lời tâm tình của chàng trai đối với một người con gái, cũng là lời lay tỉnh của nhà thơ, của thế hệ trước với thế hệ sau, cũng là lời lay tỉnh của cách mạng đối với tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam, những con người đang ngủ quên trong cuộc sống hưởng thụ.
Đất Nước là một khái niệm trừu tượng, thế nhưng khi so sánh Đất Nước với hình ảnh “máu xương của mình” thì đó lại là một khái niệm cụ thể, hữu hình. Đây cũng là phần nối tiếp trong ý thơ “trong anh và em hôm nay đều có một phần Đất Nước”, thì ở đây Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ rõ Đất Nước là máu xương của mỗi con người, đã là phần căn cơ cốt yếu trong mỗi cá nhân, ai cũng phải có.
Điệp từ “phải biết” trong hai câu thơ sau là biểu hiện của một mệnh lệnh, xác định trách nhiệm cho mỗi người, yêu nước không phải là một khái niệm chung chung, một tư tưởng trừu tượng mà yêu nước phải thực hiện bằng hành động. Mỗi con người cần phải biết “gắn bó san sẻ”, đặc biệt phải “biết hóa thân cho dáng hình xứ sở”, dâng cả sự sống, thanh xuân cho Đất Nước, coi trọng Đất Nước hơn cả hạnh phúc riêng của bản thân mình.
Sau những dòng thơ nêu nên sự hình thành và phát triển của Đất Nước thì Nguyễn Khoa Điềm bắt đầu đi vào nhấn mạnh tư tưởng Đất Nước của nhân dân, bằng câu hỏi Đất Nước do ai làm nên.
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”
Trên phương diện không gian địa lý, tác giả đã cảm nhận Đất Nước qua những địa danh thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam bằng nhắc tên chúng một cách dày đặc trong từng ý thơ. Đặc biệt những địa danh này vốn đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam và gắn liền với những cổ tích, những thần thoại trong văn hóa dân tộc, mục đích là để gửi gắm niềm tự hào của tác giả đối với quê hương, đất nước.
Không chỉ vậy, sâu xa hơn nữa việc Nguyễn Khoa Điềm liệt kê các địa danh như vậy cũng là nhằm kể tên các vùng đất tương ứng trên dải đất hình chữ S, ví như “núi Vọng Phu” ngự ở Lạng Sơn, và còn ở rất nhiều nơi khác, gợi nhắc về hình ảnh những người vợ chờ chồng đi đánh giặc trên khắp Tổ quốc.
Rồi “hòn Trống Mái” thì ở Thanh Hóa, “trăm ao đầm” mà gót ngựa Thánh Gióng đi qua thì rải rác khắp mọi miền đất nước, “đất tổ Hùng Vương” là vùng Phú Thọ, “núi Bút, non Nghiên” ở Quảng Ngãi, “Hạ Long” ở Quảng Ninh, “ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm” là những địa danh ở mảnh đất miền Nam.
Thêm nữa, việc nhắc đến các vùng đất khắp Tổ quốc như vậy còn là để nhấn mạnh việc đất nước chúng ta là một dải non sông nối liền, từ đó gợi lên ý chí thống nhất Tổ quốc, Nam Bắc một nhà của nhân dân ta. Đồng thời những danh lam thắng cảnh ấy cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn Việt, đó là đức tính thủy chung son sắt trong tình cảm vợ chồng, là ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nhắc lại thuở dựng nước thiêng liêng và hào hùng, rồi còn gợi lại cả truyền thống hiếu học của nhân dân ta, đặc biệt là cả những điều giản dị nhất như con cóc, con gà cũng làm nên thắng cảnh cho quê hương.
Ngoài ra việc sử dụng cấu trúc thơ độc đáo, một bên là con người, sự vật sự việc dung dị đại diện cho hình ảnh của nhân dân, một bên là những địa danh, những thắng cảnh kỳ vĩ, lớn lao đại diện cho hình ảnh của Đất Nước được nối với nhau bằng những từ “góp”, “góp tên”, “góp mình”,… Đã khẳng định một cách mạnh mẽ tư tưởng Đất Nước của nhân dân bởi Đất Nước là do nhân dân cùng góp công, góp sức làm nên của Nguyễn Khoa Điềm.
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”
Sau khi diễn giải tư tưởng Đất Nước của nhân dân ở các chi tiết, thì Nguyễn Khoa Điềm chuyển sang nâng ý thơ lên tầm khái quát. Khẳng định tầm vóc kỳ của Đất Nước vĩ ở phương diện địa lý qua hình ảnh “khắp ruộng đồng gò bãi” để mở ra một không gian lớn lao cao rộng, sau đó khẳng định sự trường tồn, vĩnh hằng của Đất Nước ở phương diện lịch sử “Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm”.
Từ đó dẫn dắt, khẳng định nhân dân chính là người đã tạo ra Đất Nước vừa kỳ vĩ, vừa có bề dày lịch sự ở những ý thơ rất hay “Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha” cùng với “Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”. Rất tha thiết, nồng đượm yêu thương khẳng định Đất Nước đã được tạo nên bằng chính cuộc đời của các thế hệ cha ông, bằng các dáng hình, những ước mơ, những phong tục tập quán đã in hằn trên dáng vẻ của Đất Nước.
“Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Những em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Tư tưởng Đất Nước của nhân dân tiếp tục được khẳng định thông qua phương diện thời gian lịch sử. Trong suốt 4000 năm nhân dân đã chăm chỉ cần cù để xây dựng Đất Nước, khi có chiến tranh thì người con trai lập tức ra trận bảo vệ Đất Nước. Còn người con gái trở thành người chèo chống gia đình, nuôi con cái, thế nhưng mang trong mình dòng máu Bà Trưng Bà Triệu, họ cũng trở nên mạnh mẽ kiên cường cả trong chiến đấu.
Sự anh dũng của ông cha ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm đã khiến họ trở thành những người anh hùng lưu danh sử sách, thế nhưng bên cạnh những con người hữu danh thì người ta thấy nhiều hơn là những con người vô danh “không ai nhớ mặt đặt tên”. Dù không ai nhớ mặt đặt tên, thế nhưng những thế hệ sau vẫn luôn trân trọng, yêu quý bởi họ chính là người làm ra Đất Nước.
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân”
Nhân dân không chỉ là người xây dựng và bảo vệ Đất Nước mà nhân dân còn là người làm nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng ấy là truyền lại cho thế hệ tiếp nối những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Cha ông đã để lại cho con cháu nền văn minh nông nghiệp lúa nước ngàn đời, truyền cho con cháu ngọn lửa sáng ngời sau bao năm tháng sống trong tối tăm, lạnh lẽo.
Truyền cho con thứ ngôn ngữ tiếng nói của riêng dân tộc mình, giữ cho mình cái văn hóa làng, xã trong mỗi chuyến di dân, tạo dựng cơ sở vật chất, đất đai để cho các thế hệ kế tiếp phát triển trên mảnh đất ấy.
“Đất Nước của Nhân dân,
Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”
Trên bình diện văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm cũng chỉ ra những nét đẹp riêng của tâm hồn Việt, của văn hóa Việt. Vì “Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại” thế nên khi nhìn vào kho tàng văn học dân gian đều thấy hiện lên diện mạo văn hóa của Đất Nước, thấy được hình bóng của nhân dân những con người mang đậm nét truyền thống của dân tộc.
Tác giả đã chọn ra ba câu ca dao tiêu biểu để gợi ra 3 vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam, cũng chính là 3 nét đẹp văn hóa tiêu biểu” của dân tộc Việt nói chung. “Yêu em từ thuở trong nôi/Em nằm em khóc anh ngồi anh ru”, nét đẹp say đắm trong tình yêu, biết yêu thương những con người ở xung quanh mình.
Tiếp theo là câu “Cầm vàng mà lội qua sông/Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”, từ đó thấy được vẻ đẹp của lòng biết quý trọng tình nghĩa hơn là những giá trị vật chất tầm thường. Cuối cùng là câu tục ngữ “Thù này ắt hẳn còn lâu/Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què”, gợi ra vẻ đẹp bền bỉ trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta từ bao đời nay.
“Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”
Kết lại đoạn trích Đất Nước của trường ca Mặt đường khát vọng thì tác giả đã nêu lên những cảm nhận rất tinh tế về vẻ đẹp của quê hương, của Đất Nước. “dòng sông” dù có bắt nguồn từ đâu thì khi chảy đến mảnh đất quê hương cũng đều mang giọng hát của Đất Nước, mang đậm bản sắc của dân tộc. Mỗi con người Việt Nam, trong công cuộc mưu sinh, lao động trên cái dòng chảy ấy lại có những cách ứng xử khác nhau rồi cuối cùng tạo nên một dòng chảy văn hóa kéo dài suốt 4000 ngàn năm văn hiến.
Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn trích Đất Nước với giọng văn chính luận trữ tình đã bộc lộ suy nghĩ sâu sắc và nói lên những tình cảm tha thiết của mình đối với đất nước trên nhiều bình diện, địa lý, lịch sử, và bình diện văn hóa với tư tưởng bao trùm xuyên suốt ấy là tư tưởng Đất Nước của nhân dân.
Về nghệ thuật đoạn trích được viết theo lối quy nạp, biểu hiện nội dung chính luận một cách trữ tình bằng cách mượn các chất liệu văn hóa dân gian thân thuộc, mượt mà, êm ái, mang đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mỹ độc đáo. Giọng điệu xuyên suốt đoạn trích là giọng thơ tâm tình tình, tha thiết, sâu lắng như giọng điệu của đôi lứa yêu nhau làm cho nội dung nghị luận vốn khô khan trở nên mềm mại, ngọt ngào thấm sâu vào lòng người.
Bài văn phân tích tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm số 8
Mặt đường khát vọng là tập trường ca hùng tráng được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971. Bản trường ca khái quát quá trình thức tỉnh của tuổi trẻ các đô thị vùng tạm chiến miền Nam. Họ nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ; hướng về nhân dân, về đất nước; ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, đứng dậy xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc. Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng.
Đất Nước có thể coi là chương hay nhất trình bày sự cảm nhận và lý giải của tác giả về đất nước, cũng đồng thời thể hiện sâu sắc tư tưởng cốt lõi của cả bản trường ca, đó là tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. Trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả khá chặt chẽ nhưng cũng rất phóng túng.
Đoạn thơ mở đầu bằng những lời định nghĩa say sưa về đất nước. Tiếp đó là sự hình dung về đất nước qua chiều dài thời gian – lịch sử, qua về rộng của không gian – lãnh thổ địa lí và qua chiều sâu văn hóa – phong tục, lối sống, tính cách của người dân Việt Nam, với một niềm tự hào sâu sắc.
Từ ba bình diện này, lời thơ hào hứng, giàu chất suy tư hướng đến tư tưởng chủ đạo: “Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân”. Mạch cảm xúc và suy tư của bài thơ trôi chảy một cách tự nhiên, vừa chặt chẽ vừa đầy hứng khởi, đồng thời lại cũng có những vang động sâu xa.
Trong phần đầu của đoạn trích, bằng hình thức trữ tình – chính luận, nhà thơ đã đưa ra định nghĩa riêng của mình về đất nước bằng những cảm nhận về đất nước trong cổ tích, ca dao. Lời thơ định nghĩa thoát khỏi những khái niệm khó khăn để trở thành một cuộc chuyện trò gần gũi, thân mật mà bay bổng. Mức độ đậm đặc của các chất liệu lấy từ cổ tích, truyền thuyết, ca dao, dân ca, huyền thoại…. tạo cho đoạn thơ đầu một âm hưởng đầy quyến rũ. Những câu thơ như:
Khi ta lớn lên
Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “Ngày xửa ngày xưa…”mẹ thường hay kể
Đoạn thơ đầu làm mờ đi khái niệm đất nước là của các vương triều. Ngay từ lúc sơ khai, nó đã là của nhân dân. Định nghĩa đất nước bằng sự lựa chọn chất liệu từ văn hóa dân gian, đó là một ẩn ý của Nguyễn Khoa Điềm bởi văn hóa dân gian của nhân dân. Cách định nghĩa của Nguyễn Khoa Điềm là một sự khám phá mới mẻ, độc đáo tạo ra sự hấp dẫn và thú vị đối với người đọc.
Cách định nghĩa về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã chạm được vào những gì thiêng liêng nhất, lớn lao nhất nhưng cũng lại gần gũi và thân thiết nhất đối với mỗi chúng ta. Nó dễ gợi cho ta những suy ngẫm về quá khứ, về lòng tự hào dân tộc.
Và bởi thế, nó thức tỉnh ý thức dân tộc và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân trong mỗi chúng ta.
Phần sau của đoạn thơ từ “Những người vợ nhớ chồng” đến hết đoạn trích là phần tập trung làm nổi bật tư tưởng “Đất nước của nhân dân”. Trong phần này, tư tưởng đã quy tụ mọi cách nhìn nhận và đưa đến những phát hiện sâu sắc và mới mẻ của tác giả về địa lí, lịch sử và văn hóa của đất nước.
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Quả là những phát hiện rất mới về thiên nhiên đất nước. Những núi Bút, non Nghiên, núi Vọng Phu, hòn Trống Mái… vốn đã rất quen thuộc này bỗng trở nên thật lạ. Nó không phải là sản phẩm của tạo hóa mà là tâm hồn, là số phận của nhân dân.
Đến đây, thiên nhiên, tạo hóa không phải là cái làm nảy sinh ra những câu chuyện đầy huyền thoại mà chính những câu chuyện về những tâm hồn, những số phận của con người trong quá khứ làm cho những danh thắng kia có tâm hồn, làm cho nó sống mãi. Cái nhìn rất thơ của tác giả đi đến một khái quát đầy thấm thía:
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…
Tiếp nối những câu thơ khám phá độc đáo về thiên nhiên là những câu thơ khám phá vẻ đẹp tâm hồn, tính cách Việt Nam, cũng như vai trò, vị trí của con người Việt Nam trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là những con người yêu thương sâu sắc, thủy chung tình nghĩa; là những con người cần cù lao động, anh hùng trong đánh giặc; là những con người “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng chính họ “đã làm ra Đất Nước”.
Họ là những người âm thầm làm nên lịch sử, âm thầm gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử dân tộc. Từ những khái quát giản dị nhưng đầy tính nhân văn, tác giả khẳng định:
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.
Đó là một chân lí. Một chân lí đã được nhận thức trong suốt quá trình phát triển dài lâu của lịch sử nhưng chỉ đến văn học Việt Nam hiện đại, nó mới đạt đến đỉnh cao, mới cất lên thành những tuyên ngôn đầy tự hào và vang động sâu xa. Làm nên sự thành công của đoạn trích Đất Nước, ngoài sự độc đáo đầy phóng túng của thể thơ tự do còn phải kể đến tài năng xuất sắc của Nguyễn Khoa Điềm trong việc tiếp thu và sử dụng những chất liệu dân gian. Bài thơ là sự hòa nhập một cách thật nhuần nhuyễn giữa hình thức trữ tình – chính trị với các chất liệu từ ca dao, cổ tích, huyền thoại…
Bằng sự vận dụng đầy sáng tạo hình thức thơ tình – chính trị, đoạn trích Đất Nước quy tụ mọi cảm nhận, mọi cái nhìn, quy tụ vốn liếng sách vở cũng như những trải nghiệm cá nhân của người nghệ sĩ để làm nên một tuyên ngôn về tư tưởng, về nhận thức của cả một thế hệ nghệ sĩ, ấy là tư tưởng “Đất nước của nhân dân”.
Bài văn phân tích tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm số 7
Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ ông thường có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng, giữa chất trữ tình và chất chính luận. Đoạn trích “Đất nước” đã cho người đọc thấy rõ được những đặc điểm của thơ ông. Đặc biệt đoạn thơ đầu của bài thơ nhà thơ đã giải thích Đất nước bằng những hình ảnh giản dị hằng ngày:
“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi….
Đất nước có từ ngày đó”.
Câu thơ đầu cất lên đầy giản dị và mộc mạc: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi”. Câu thơ ngỡ như một câu nói bình thường, đưa người đọc trở về những hình ảnh thuở xưa của đất nước. Tổ quốc này đã phôi thai và hình thành suốt chiều dài lịch sử, khi con người xuất hiện, lớn lên thì đất nước đã có rồi. “Đất nước có trong…mẹ thường hay kể.”
Hình ảnh đất nước hiện lên qua những lời kể của mẹ. Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” gợi trong chúng ta những nỗi niềm cổ tích xa xăm nhưng thật diệu kì. Nơi ấy có cô tấm, chàng Thạch Sanh, một thế giới lung linh huyền ảo ấy ta đã có dịp lạc vào từ thuở ấu thơ.
“Đất nước bắt đầu…bà ăn”. Đất nước vốn lớn lao nhưng bây giờ cũng ẩn mình vào trong miếng trầu bà ăn. Và chính miếng trầu ấy lại chứa đựng cả một nền văn hóa của người Việt Nam ta. Người xưa có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” nó thể hiện sự giao tiếp, là tín hiệu của hạnh phúc nhân duyên. Miếng trầu đã đi sâu và nếp cảm, nếp nghĩ của người dân Việt từ bao đời nay. Qua hình ảnh này chúng ta cũng thấy được chiều dài của lịch sử, của đất nước, cội nguồn nơi chúng ta sinh sống.
“Đất nước lớn lên…đánh giặc”. Tổ quốc vững mạnh và trưởng thành theo từng năm tháng, phải trải qua những năm tháng đấu tranh dựng nước và giữ nước. Câu thơ trên mang hơi thở của Thánh Gióng là người đã sử dụng tre làng để đánh giặc. Và bất cứ một người Việt Nam nào không thể không biết đến truyền thuyết Thánh Gióng ấy. Và với lời thơ bình dị của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước còn hiện lên qua những phong tục cổ truyền của người Việt Nam: “Tóc mẹ thì bới sau đầu”.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xuất hiện với mái tóc búi sau trở thành nét đẹp, nét truyền thống của phụ nữ Việt. Tập tục này không chỉ tôn lên vẻ đẹp đoan trang của người phụ nữ mà còn thể hiện nét đẹp đặc trưng trong bản sắc văn hóa của người Việt.
Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, hình tượng đất nước cũng gắn liền với những đạo lý son sắc thủy chung mà tính nghĩa: “Cha mẹ…gừng cay muối mặn”. Người Việt Nam ta vốn coi trọng nghĩa tình, sống có trước có sau, đặc biệt là sự thủy chung trong tình yêu và tình nghĩa vợ chồng. Đặc biệt, sự vận dụng câu ca dao”gừng cay muối mặn” là sự có chủ ý của nhà thơ.
Tác giả tiếp tục phát hiện hình ảnh đất nước có mặt trong những sự vật rất đỗi bình thường “cái kèo, cái cột thành tên”. Thì ra đất nước to lớn, vĩ đại như vậy chẳng ở đâu xa, nó gắn liền với những công việc lao động thường ngày nhất với con người.
“Hạt gạo…sàng”. Tác giả sử dụng thành ngữ “một nắng hai sương” kết hợp với phép liệt kê đã khắc sâu sự vất vả của người nông dân để làm ra hạt thóc, hạt gạo. Đồng thời , câu thơ cũng cho thấy những vẻ đẹp phẩm chất của người lao động Việt nam. Đó là sự chịu thương, chịu khó, sự cần cù của người dân trên dải đất hình chữ S này.
Đất Nước đã được nhà thơ lí giải cứ nghĩa theo cảm nhận của riêng mình. Đoạn thơ thể hiện niềm tự hào, trân trọng sâu sắc của tác giả dành cho Tổ quốc mình. Đoạn thơ rất thành công với thể thơ tự do mỗi câu như một cảm xúc trào dâng từ đáy lòng thi sĩ.
Nhà thơ đã vận dụng thành công những chất liệu văn hóa văn học dân gian. Và khi kết thúc những câu thơ ấy, trong lòng người đọc cũng xuất hiện hình ảnh đất nước vừa quen thuộc, vừa mới lạ, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi và biết bao mến thương.
Bài văn phân tích tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm số 10
Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước và cách mạng ở thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điển, tĩnh Thừa Thiên – Huế. Quê gốc của ông ở làng An Cựu, xã Thủy An. Ông học tập và trưởng thành trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, rồi trở về Nam tham gia chiến đấu chống Mĩ. Sau 1975, Nguyễn Khoa Điềm hoạt động văn nghệ và chính trị ở Huế.
Ông được bầu làm Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam khóa V và Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin. Từ năm 2001 đến 2006, ông là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương. Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ mà tài năng và tên tuổi được khẳng định trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, về dân tộc. Năm 2000, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tác phẩm chính: Đất ngoại ô (thơ, 1972), Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (thơ, 1986), Cõi lặng (thơ, 2007). Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả sáng tác ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, nội dung phản ánh sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm bị chiếm ở miền Nam đang xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược; đồng thời thể hiện những suy ngẫm và quan điểm của nhà thơ về đất nước, dân tộc.
Đoạn trích Đất Nước nằm ở phần đầu chương V của trường ca là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Tác giả bày tỏ suy nghĩ và tình cảm tha thiết, sâu sắc của bản thân về đất nước trên nhiều bình diện địa lí, lịch sử, văn hóa, phong tục,… với tư tưởng bao trùm: Đất Nước của Nhân dân
Đoạn trích chia làm hai phần: Phần một: Từ đầu đến… Làm nên Đất Nước muôn đời: cảm nhận của tác giả về đất nước trên các phương diện cuộc sống của con người: địa lí, lịch sử, văn hóa, phong tục. Phần hai: Tác giả đúc kết nên một chân lí khái quát: Đất Nước của Nhân dân.
Giữa hai phần gần như không có sự tách biệt rõ ràng về nội dung vì ở phần nào tác giả cũng thể hiện sự cảm nhận về Đất Nước trên nhiều mặt, nhưng mỗi phần có một trọng tâm khác nhau trong nội dung tư tưởng và cảm xúc. Ở phần 1, Đất Nước được tác giả cảm nhận từ những gì gần gũi, bình dị trong cuộc sống hằng ngày, sau đó mở rộng ra với Thời gian đằng đẵng – Không gian mênh mông trong những truyền thuyết về thời dựng nước. Cuối cùng, cảm nhận của nhà thơ hướng vào sự hiện diện của Đất Nước trong mỗi con người; từ đó nhắc nhở trách nhiệm của mỗi công dân đối với Đất Nước.
Ở phần sau, Đất Nước được nhà thơ đúc kết thành quan niệm: Đất Nước của Nhân dân, chính Nhân dân đã làm nên đất nước. Khái niệm Đất nước được gợi nên từ những thắng cảnh thiên nhiên, những địa danh gắn với những tên người bình dị… Đất Nước gắn với bề dày lịch sử bốn nghìn năm với những lớp người không nhớ mặt đặt tên.
Họ từng sống rất giản dị và bình tâm, nhưng cũng chính họ là những người đã làm nên Đất Nước, truyền lại cho con cháu muôn đời. Cuối cùng, mạch suy tưởng của tác giả dẫn đến một chân lí khái quát: Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.
Khác với các nhà thơ trước, khi viết về đất nước thường dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ, mang tính biểu tượng, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn cách thể hiện rất tự nhiên và bình dị:
Khi ta lớn tên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…”mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Trong đoạn thơ này, Nguyễn Khoa Điềm bày tỏ cảm xúc và suy tưởng của mình về Đất Nước dưới hình thức trò chuyện tâm tình, tạo ra một cảm giác gần gũi, thân thiết. Nhà thơ lấy chất liệu từ văn hóa dân gian, từ ca dao, tục ngữ, từ đời sống quen thuộc hằng ngày. Bởi vậy nên không gian nghệ thuật được mở rộng ra nhiều chiều và hình tượng thơ trở nên trữ tình, bay bổng.
Đất Nước ở ngay trong cuộc sống của mỗi gia đình, từ lời kể chuyện ngày xửa ngày xưa của mẹ, từ các phong tục tập quán có từ lâu đời: Miếng trầu bây giờ bà ăn, Tóc mẹ thì bới sau đầu. Đất Nước có từ khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc. Đất Nước hình thành từ tình nghĩa vợ chồng thủy chung, Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn, từ quá trình lao động bền bỉ của dân tộc; từ hình ảnh hạt gạo ta ăn hằng ngày thấm đẫm mồ hôi một nắng hai sương.
Câu thơ : Cái kèo cái cột thành tên diễn tả thời gian hơn là không gian. Phải bao năm tháng những vật dụng hằng ngày trong nhà mới có tên để gọi. Đấy cũng là quá trình sinh thành của Đất Nước từ không đến có, từ nhỏ hẹp tới lớn lao. Tất cả những điều đó làm cho khái niệm Đất Nước trở nên gần gũi, thân thiết đối với mỗi con người.
Có thể coi đoạn thơ mở đầu là câu trả lời cho câu hỏi: Đất Nước có tự bao giờ? Lịch sử lâu đời của đất nước Việt Nam được cắt nghĩa không phải bằng sự nối tiếp của các triều đại phong kiến hay các sự kiện lịch sử mà bằng những câu thơ gợi nhớ đến các truyền thống có từ xa xưa: Trầu cau (miếng trầu bây giờ bà ăn), Thánh Gióng (dân mình biết trồng tre mà đánh giặc),… đến nền văn minh lúa nước sống Hồng cùng những phong tục, tập quán có từ lâu đời. Đó chính là Đất Nước được cảm nhận từ chiều sâu, từ bề dày của văn hóa và lịch sử.
Những câu thơ chính luận – trữ tình tiếp theo vẫn trả lời cho câu hỏi: Đất Nước là gì ? Đó là sự cảm nhận về Đất Nước trong sự thống nhất, hài hòa giữa các phương diện địa lí và lịch sử, không gian và thời gian nhưng không dừng lại ở mức khái niệm mà nâng cao lên một tầng ý nghĩa sâu xa hơn. Hình tượng Đất Nước thiêng liêng được cảm nhận thông qua cách nhìn nhận, suy nghĩ của tuổi trẻ nên vừa cụ thể, vừa mới mẻ và hết sức táo bạo:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Hình ảnh con đường đến trường, bến sông em tắm, nơi lứa đôi yêu nhau hò hẹn… gợi ra không gian cụ thể, thân quen, nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ, thơ mộng. Đất Nước gắn bó anh và em, gắn bó mỗi con người với cuộc đời. Đất Nước là không gian sinh tồn của cả cộng đồng người Việt qua bao nhiêu thế hệ. Rộng lớn hơn nữa, Đất Nước là không gian mênh mông của núi sống, rừng biển:
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi “
Các câu thơ trên lấy ý từ những bài ca dao miền Bắc và những câu hò Bình Trị Thiên để mở ra một không gian lãng mạn, bay bổng của một tình yêu say đắm, thủy chung. Trong mắt của những người trẻ tuổi, Đất Nước là một không gian thơ mộng với bao kỉ niệm dịu ngọt của tình yêu. Đất Nước còn được tác giả cảm nhận theo nhiều chiều : không gian và thời gian, địa lí và lịch sử:
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông,
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ.
Đất Nước tồn tại trong sâu thẳm của kí ức, từ thời nảy sinh huyền thoại về mối duyên kì ngộ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ:
Đất là nơi chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.
Đất Nước đã trải qua bốn nghìn năm lịch sử. Dân tộc ta dã xây dựng nên nhiều truyền thống và nét đẹp văn hóa Việt Nam. Hai tiếng đồng bào gợi tình cảm máu thịt và tinh thần đoàn kết nhất trí. Đất Nước mấy nghìn năm lịch sử được chuyển giao qua nhiều thế hệ:
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ… tất cả đều nói lên chiều sâu, bề dày lịch sử của đất nước Việt Nam.Đất Nước còn được tác giả cảm nhận trong sự thống nhất giữa các phương diện văn hóa, truyền thống, phong tục, trong cái hằng ngày và cái vĩnh hằng, trong đời sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, ở chiều rộng của không gian địa lí và chiều dài của thời gian lịch sử.
Đến cuối phần một, cảm hứng thơ dẫn dắt tác giả đến sự chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc về Đất Nước: Trong anh và em hôm nay – Đều có một phần Đất Nước.
Bài văn phân tích tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm số 9
Cùng với các nhà thơ trong thế hệ chống Mỹ lúc bấy giờ, Nguyễn Khoa Điềm dường như cũng hướng ngòi bút của mình đến một chủ đề lớn lao của thơ ca đương thời đó không gì khác chính là đất nước. Tuy nhiên, có thể nói rằng hình ảnh “đất nước” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ có đau thương mất mát hay chỉ có những cảnh sơn hào hùng vĩ mà “đất nước” hiển hiện lên trọn vẹn qua những suy nghĩ và cảm nhận hết sức mới mẻ.
Qua đoạn trích “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của ông thì đây chính là một định nghĩa đủ đầy về đất nước và qua đó cũng thể hiện sâu sắc tư tưởng cốt lõi của tác phẩm: Đất nước là của nhân dân. Mở đầu bài thơ chính là một lời tâm tình sâu lắng đưa ta về với cội nguồn:
Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xửa
Ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu bằng miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng
Đất nước có từ ngày đó…
Trong đoạn thơ này của Nguyễn Khoa Điềm dường như ta có thể thấy răng, đất nước không phải là cái gì trừu tượng, xa xôi khó nắm bắt mà đất nước chính là những gì thân thuộc và gần gũi nhất. Đất nước có từ trong những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, trong miếng trầu của bà ăn, trong dáng tre bất khuất kiên cường, trong những phục tục tập quán, trong hạt gạo nấu những bữa cơm hàng ngày… đều hiện hình lên một đất nước Việt Nam rất đỗi anh hùng, tình nghĩa, giản dị mà thân thương nhất. Và đây có thể nói chính là một định nghĩa, định danh về đất nước hoàn toàn mới và hoàn toàn thiết thực nhất, rõ ràng nhất.
Với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, “đất nước” không chỉ là những khoảng giới hạn về không gian địa lý chật hẹp nữa mà ở đây nó còn có chiều dài thời gian lịch sử và chiều sâu văn hóa. Không những thế, “đất nước” còn chính là tình yêu đôi lứa, có trong tình yêu đôi lứa:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm…
Đất và nước dường như tách riêng, và từng phần đều lại như đã tượng trưng cho những điều gần gũi nhất. “Là nơi anh đến trường” hay “là nơi em tắm” hàng ngày. Thế nhưng để rồi khi “ta hò hẹn” thành một đôi trọn vẹn thì cũng như đất nước gộp lại vẹn tròn lại thành một. Và có thể nói rằng với phát hiện mới mẻ này, Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ ra rằng Đất nước không chỉ bên ta, xung quanh ta và còn có cả ở trong ta nữa.
Đất nước còn chính là nơi khởi đầu cho những câu chuyện xa xưa, cho những câu ca dao tục ngữ, điển tích điển cố và tất thảy mọi sự sinh thành. Và hình ảnh đặc sắc “con chim phượng hoàng”, “núi Bà Đen, Bà Điểm”, “Lạc Long Quân Âu Cơ” là những minh chứng độc đáo cho đất nước hào hùng nghìn năm văn hiến của chúng ta. Nhớ về đất nước cũng như chính là một cách để ta có thể nhớ về cội nguồn, hiểu được vì sao chúng ta được sinh ra. Chính vì thế, đất nước trong ý niệm của Nguyễn Khoa Điềm còn là sự tiếp nối truyền thống:
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau…
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước
Biết bao thế hệ anh cha ta đã hi sinh, đã ngã xuống để bảo vệ đất nước, bảo vệ núi sông bờ cõi. Đó còn chính là cả một chiều dài lịch sử hào hùng rất tự hào của dân tộc ta. Chính vì thế, con cháu đời sau phải tiếp tục gìn giữ truyền thống ấy. Với một truyền thống yêu nước, thương nòi, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ non sông cho những thế hệ về sau. Và cho đến thời đại của ngày hôm nay, “trong và em” “đều có một phần đất nước”.
Dường như chính phần đất nước ấy là phần máu thịt, là một phần trách nhiệm phải giữ gìn và xây dựng, phần tình yêu để bảo vệ đất nước cho con cháu mai sau. Vì có phải những người đã không quản ngại thân mình hy sinh cho đất nước, làm nên hình hài của đất nước cho nên:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Khi nói về 4000 năm lịch sử oanh liệt hào hùng của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm không hề kể về những vương triều to lớn hay những anh hùng nổi tiếng mà lại nhấn mạnh “người làm ra đất nước” lại chính là những con người bình dị đời thường và họ là những người vô danh. Chính họ chứ không phải ai khác, không phải là một ông vua bà chúa nào, họ đã gìn giữ và truyền lại hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói, ngôn ngữ cho đời sau. Và từ chính những con người vô danh làm nên đất nước bao năm qua đã giúp tác giả khẳng định một chân lý:
Đất nước này là đất nước của nhân dân
Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại
Đối với câu thơ sau, hai vế dường như song song nhân dân – đất nước lại càng khẳng định đất nước chính là kết tinh những giá trị tinh thần cao quý trong đời sống trí tuệ và tình cảm của nhân dân. Những giá trị ấy cũng như đã kết tinh lại trong những câu ca dao, tục ngữ, trong những câu chuyện thần thoại cổ tích của cha ông ta để lại. Và định nghĩa về đất nước đến đây vừa giản dị nhưng cũng vừa lớn lao, sâu sắc biết bao nhiêu. Đất nước đã dường như đã được khẳng định là của nhân dân và cũng là của anh, của em, và:
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời
Đoạn thơ thân tình như một lời nhắn nhủ thiết tha đằm thắm mà rất đỗi chân thành. Bởi sự sống của chúng ta không chỉ do cha mẹ sinh thành mà còn vì đất nước nuôi dưỡng. Chính vì thế mà trong mỗi chúng ta cần phải có trách nhiệm gìn giữ, phát triển nó và truyền lại cho những thế hệ tiếp theo.
Đất nước đã được xem là một đề tài, cảm hứng chủ đạo của thơ ca thời kì kháng chiến chống Mĩ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm dường như cũng đã nhận thức sâu sắc vai trò và sự đóng góp to lớn của nhân dân trong cuộc đấu tranh trường kì và vô cùng ác liệt này.
Chính vì thế có thể nói rằng tư tưởng đất nước của nhân dân từ trong văn học truyền thống đã được nhà thơ phát triển đến đỉnh cao, mang tính dân chủ sâu sắc. Dùng chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng nhuần nhuyễn, biến đổi linh hoạt đầy sáng tạo chính là nét đặc sắc thẩm mĩ và thống nhất với tư tưởng “đất nước của nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại” của bài thơ.
Bài văn phân tích tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm số 6
Đất nước là đề tài muôn thuở của thơ văn Việt Nam. Chúng ta đã bắt gặp đất nước chìm trong đau thương, mất mát qua thơ Hoàng Cầm; gặp đất nước đang đổi mới từng ngày qua thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng có lẽ đất nước được nhìn từ nhiều khía cạnh, đầy đủ và trọn vẹn nhất qua bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Hình hài đất nước từ khi được sinh ra cho đến khi phải trải qua bao nhiêu song gió chiến tranh được tái diễn sinh động qua một hồn thơ tinh tế, phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm
Tác giả nhìn đất nước từ nhiều khía cạnh, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Đất nước là tên gọi thiêng liêng, bình dị nhưng chất chứa bao nhiêu ngọn nguồn của cảm xúc chính tác giả. Bài thơ được mở đầu bằng những vần thơ nhẹ nhàng, tinh tế đưa người đọc trở về với những ngày đầu mới khai sinh:
Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xửa
Ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu bằng miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc.
Đất nước hiện lên qua những câu thơ thật bình dị, gần gũi, nó không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một khái niệm hiện hữu hằng ngày trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Tác giả sử dụng từ “khi” để đánh dấu sự ra đời của khái niệm “đất nước”. Từ khi mỗi chúng ta sinh ra thì đất nước đã có rồi. Sau câu thơ ấy, tác giả bắt đầu lí giải nguồn gốc của đất nước mà mỗi người đều mong muốn hiểu thấu được.
Giọng thơ dịu nhẹ, ngọt ngào dẫn dụ người đọc về với những “ngày xưa ngày xưa”. Đó như một nốt nhạc của quá khứ trở về trong những suy nghĩ của con người. Từ :ngày xửa, ngày xưa” đánh dấu những điều gì đó xa xưa, rất xưa, không xác định thời gian cụ thể, chỉ biết rằng nó đã có từ lâu đời. Đất nước đồng thời hình thành từ khi dân mình biết đánh giặc. Là những con người đó làm nên đất nước…
Đất nước còn gắn liền với cuộc sống bình dị, thân quen của người nông dân Việt Nam. Tác giả không chỉ dừng lại ở đó, đất nước còn được lý giải chính là thành quả của công cuộc lao động để xây dựng và phát triển:
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng
Đất nước có từ ngày đó
Một một dụng cụ được tạo ra để phục vụ cho đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt của con người như “kèo, cột” đều gắn bó với lịch sử ra đời của đất nước. Rất bình dị, rất chân thực nhưng nó như là một sự giải thích đúng đắn. Nguyễn Khoa Điềm như dẫn người đọc đi vào những cung bậc tình cảm khác của đất nước, đó là chuyện tình yêu lứa đôi e ấp nhưng tha thiết và mặn nồng:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất nước không chỉ hiện hiện trong không gian văn hóa, phong tục tập quán của con người mà còn hiện lên trong những tình yêu lứa đôi mặn nồng, tha thiết nhất. Tác giả đã cắt nghĩa “đất nước” thành hai từ “đất” và “nước” để lí giải cụ thể ý nghĩa của từng từ. Đây có thể coi là sự tinh tế và đầy thi vị của Nguyễn Khoa Điềm. Nhưng dù được tách ra thì đất nước vẫn là một khái niệm trọn vẹn và đầy ý nghĩa nhất.
Đất nước còn được mở ra theo chiều dài của lịch sử và chiều dài của không gian văn hóa, của những con người vẫn còn trằn trọc tha thiết đi tìm hình bóng quê hương. Đất nước được hình thành từ những câu chuyện xa xưa, từ những điển tích điển cố mà người đời sau vẫn luôn nhắc nhở nhau.
Hình ảnh “con chim phượng hoàng”, “núi bà đen, bà điểm”, “lạc long quân âu cơ” chính là minh chứng cho sự phát triển nhiều thăng trầm nhưng đáng tự hào của chúng ta. Nhớ về cội nguồn, nhớ về những ngày xưa vất vả chính là đạo lí, truyền thống uống nước nhớ nguồn mãnh liệt của nhân dân ta. Đất nước trong ý niệm của Nguyễn Khoa Điềm còn là sự tiếp nối truyền thống:
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Trong sự hình thành và phát triển, bề dày văn hóa lịch sử ngày càng được khẳng định. Những con người đã ngã xuống vì đất nước, những con người thế hệ mai sau cần phải cố gắng gìn giữ và phát huy được truyền thống tốt đẹp đó. Nguyễn Khoa Điềm đã có cái nhìn đa chiều về đất nước từ khía cạnh đời thường, khía cạnh lịch sử, khía cạnh không gian và thời gian mang đến cho người đọc nhận thức đúng đắn nhất về đất nước mà chúng ta đang sống và cống hiến.
Hơn hết tác giả còn khẳng định
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước
Có thể nói đất nước đã đi vào và in hằn vào máu thịt của mỗi người, nhắc nhở trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta về công cuộc xây dựng và bảo vệ sự vững mạnh của đất nước này. Đất nước còn được Nguyễn Khoa Điềm tích lũy thành một khái niệm sâu sắc:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Một quan niệm sâu sắc, giàu giá trị nhân sinh quan khiến cho người đọc không thể phủ nhận sự tồn tại của đất nước là một thực tế. Đất nước còn biểu tượng cho long thành kính, sự biết ơn đến những người đã ngã xuống vì hòa bình, tự do cho hôm nay:
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước
Lại thêm một sự lí giải đúng đắn cho định nghĩa “đất nước”, những con người đó họ dù chết nhưng trái tim họ vẫn còn sống mãi trong cuộc sống của những người ở lại. Nhưng ở hai câu thơ cuối có thể nói Nguyễn Khoa Điềm đã đưa ra định nghĩa đúng đắn và sâu sắc nhất về đất nước:
Đất nước này là đất nước của nhân dân
Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại.
Thật vậy, nhân dân chính là chủ nhân của đất nước. Bởi vậy đất nước này phải thuộc về nhân dân. Tư tưởng của tác giả rất tiến bộ, rất đời thường và rất sâu sắc.
Như vậy Nguyễn Khoa Điềm bằng những lý lẽ và dẫn chứng đầy thuyết phục đã khẳng định được vị trí, vai trò vô cùng to lớn của đất nước trong cuộc sống của mỗi con người. Gấp trang sách lại nhưng những hình ảnh về đất nước vẫn còn sống mãi trong lòng người đọc.
Xem Clip Review, Chia Sẻ Thông Tin Đáng Chú Ý
✅ Top Đánh Giá | ⭕ Dịch Vụ Tốt |
✅ Top Review | ⭐ Sản Phẩm Tốt |
✅ Top Bình Luận | ⭕ Tin Tức Mới |
✅ Top Chia Sẻ | ⭐ Kiến Thức Hay |
✅ Top Trường Hợp | ⭕ Đúng và Sai |